.
Mùa hè của trẻ vùng biển

Quên sách bám việc

.

Năm học kết thúc, mùa hè bắt đầu là lúc các em quăng vội đống sách vở vào ngăn tủ. Ba tháng hè với trẻ em vùng biển là phụ giúp gia đình bằng những việc liên quan đến thuyền, thúng, chài, lưới, kéo cá, tôm và lượm củi.

Củi từ thuyền chở vào, các em cùng người lớn kiếm được vài ba chục nghìn đồng mỗi ngày

Không có nhiều điều kiện để tham gia các lớp học thêm, học hè ở trường hoặc nhà các thầy cô giáo, hè đến các em ở nhà để giúp đỡ cha mẹ. Con em vùng biển là vậy, đứa nào cũng nhỏ thó, đen trùi trũi nhưng khỏe mạnh và thạo việc. Ở làng biển Nam Ô, chiều nào Nguyễn Văn Tr. (trú tổ 31, Nam Ô) cũng theo chân các anh chị lớn ra ngóng chờ thúng của nhà trở vào bờ. Năm nay Tr. học lớp 7 Trường THCS Nguyễn Thái Bình, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, nhưng đã có thời gian phụ những việc chài lưới của gia đình được gần 3 năm. Mỗi chuyến đi ngắn của ba và mấy anh trai lớn từ  8 giờ tối hôm trước đến sáng hôm sau mới về.

Có khi đi 3 giờ sáng, 9-10 giờ ghé về. Cứ mỗi ngày như vậy, chi phí một lần khoảng 3 lít dầu, một bao thuốc, cà-phê, ăn uống, còn lại khoảng hơn 100 ngàn đồng thu về từ việc đánh bắt cá. Bà Lê Thị Tơi, mẹ của Tr. nói: “Nhà 6 đứa con, toàn bộ chi tiêu đều dựa vô nghề đi biển. Hai đứa nghỉ học rồi, còn 4 đứa nữa, chừ tụi hắn mà đi học nữa thì nhà cũng khó khăn hết sức. Thôi học được chừng mô thì học, không ở nhà phụ với mấy anh hắn”.

Như những nhà làm nghề đi biển khác, em Đông (14 tuổi) ở tổ 32, Nam Ô cũng đã quen với nài, với thúng mỗi khi ba em bủa lưới gần bờ. Thi thoảng em cũng theo ba đi cào ốc gạo hoặc nghêu. Vóc dáng gầy gò nhưng cao ráo cũng là lợi thế đối với Đông khi em đi đánh dậm mỗi khi nước ròng (nước xuống). Ông Hai, một người chuyên cào nghêu ở đây cho hay, “mấy đứa nhỏ chỉ theo cho vui thôi, chứ cào mấy loại ni chỉ người lớn mới làm được, đứa mô không quen dầm nước là bở trắng cả chân tay vì ngâm cả mấy tiếng đồng hồ mới lên”.

Nhỏ không theo đi biển thì ở nhà đi vác củi ra bán. Bên gành đá nằm sát mép biển Nam Ô có khá nhiều việc để những đứa trẻ muốn có thêm thu nhập phụ gia đình. Hai anh em Quân và Tiến (nhà ở tổ 29, Hòa Hiệp Nam) cho biết, vừa nghỉ hè xong là hai đứa rủ nhau đi vác củi, mỗi ngày cũng được 15-20 ngàn. Số tiền đó, cha mẹ cho để dành mua sách vở đầu năm học mới. Nhìn mấy đứa học sinh đang độ tuổi 11-16, đứa nào cũng nhanh nhẹn.

Chúng không cần người lớn đỡ, một mình vác trên vai 2 cây gỗ chạy băng băng như thể tranh thủ cho kịp thêm vài chuyến. Khi chúng tôi tới gặp những đứa trẻ này, đa số chúng đều tỏ ra bẽn lẽn, e dè, còn cha mẹ chúng thì ngại đề cập đến việc các em lao động để phụ giúp gia đình.

Tại khu vực bãi biển Thọ Quang, quận Sơn Trà cũng có rất nhiều đứa trẻ theo chân người lớn đi kéo thúng vào bờ, hoặc vá lưới. Đa số những gia đình đi biển gần bờ đều hết sức khó khăn về kinh tế, phương tiện trang bị cho nghề không nhiều, chủ yếu là loại thúng gắn máy chạy gần bờ và thuyền nhỏ. Có nhà cầm sổ đỏ vay tiền ngân hàng để đầu tư phương tiện đánh bắt. Nhà cô Hai ở phường Thọ Quang vừa làm xong thủ tục vay 20 triệu đồng, để đầu tư một dàn lưới thiều đã ngốn gần 15 triệu đồng, chưa kể những vật dụng thông thường khác.

Những đứa trẻ vùng Nại Hiên Đông từ lâu vốn đã quen những việc sông nước. Không chờ đến nghỉ hè, chúng đã theo thuyền ra khơi. Dân, 13 tuổi học Trường tiểu học Lý Thường Kiệt được người nhà cho đi theo để nấu nướng. Mỗi ngày công việc của em là xách nước ngọt, dầu máy từ nhà ra thuyền. Trong khi mọi người đánh bắt cá thì em nấu ăn.

 và cùng gia đình thu dọn đồ đạc sau mỗi chuyến biển.

Em kể: Nhiều bữa, trời xấu, thuyền dồng dềnh trên sóng, có khi soong nồi chao qua chao lại, cơm bữa sống bữa chín, nhưng vẫn phải làm công việc đó trong thời gian nghỉ hè, thay vì nhà em phải thuê thêm nhân công. Một số đứa trẻ khác mà chúng tôi gặp thường leo lên phía núi Sơn Trà đi lượm củi hoặc đi dọc các bãi biển lượm tất cả những gì người ta vứt ra vẫn còn có ích như vỏ lon bia, trà xanh, bò húc... Lao động của trẻ em vùng biển không quá nặng nhọc, nhưng khi chúng tôi đề cập công việc của các em thì các gia đình này thường lảng tránh. Một bà mẹ nói: “Tụi hắn ưa đi theo chơi chứ có ai bắt làm mô. Với lại nghỉ hè thì phải giúp cha mẹ, chứ đi rông mà hư”...

Giúp đỡ gia đình trong những ngày hè đối với các em là việc tốt, tạo cho các em tính cách độc lập, biết quý trọng giá trị lao động, thế nhưng khi nghĩ đến những khu vui chơi giải trí đầy ắp tiếng cười hồn nhiên, những chuyến dã ngoại đi đây đó cùng với người lớn, hay được đi học thêm, học năng khiếu của trẻ em thành phố những ngày hè, mới thấy các em vùng biển thiệt thòi biết bao.

Bài và ảnh: Duyên Anh

;
.
.
.
.
.