.
Nói chuyện với Câu lạc bộ Cán bộ trẻ thành phố Đà Nẵng, Giáo sư Hoàng Tuỵ:

Phải chấn hưng, cải cách nền giáo dục nước nhà

.


Giáo sư Hoàng Tụy nói chuyện với CLB Cán bộ trẻ thành phố Đà Nẵng.
ĐNĐT) - Giáo sư Hoàng Tuỵ, nhà toán học nổi tiếng thế giới, nhà giáo có nhiều tâm huyết, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo Việt Nam…đã có buổi nói chuyện với các hội viên Câu lạc bộ Cán bộ trẻ thành phố về chuyên đề giáo dục-đào tạo vào sáng ngày 26-6.

Qua buổi nói chuyện này, Giáo sư Hoàng Tuỵ đã phân tích thấu đáo những mặt được và chưa được của ngành giáo dục-đào tạo Việt Nam hiện nay.

Thực trạng báo động trong giáo dục 

Giáo sư Hoàng Tuỵ khẳng định, giáo dục-đào tạo là một trong những vấn đề cực kỳ quan trọng của đất nước hiện nay. Bởi lẽ, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ CNH-HĐH phát triển đất nước, ngành giáo dục phải đào tạo ra những con người có năng lực, nhân cách, tư duy cao, sự cảm thụ tốt… Thế nhưng, nền giáo dục của Việt Nam còn tồn tại nhiều bất cập. 

Cơ cấu tổ chức và hoạt động giáo dục mất cân đối giữa giáo dục phổ thông, dạy nghề, CĐ, ĐH; giữa công lập và tư thục, chuyên tu, tại chức… Tất cả trở thành hệ thống hoạt động phân tán. Mỗi đơn vị tuân theo lợi ích cục bộ của mình hơn là quan tâm đến lợi ích cơ bản, lâu dài của cộng đồng.

Ông nêu ra một thực trạng buồn, đó là người dân Việt Nam hiện đang chạy theo "mốt" đưa con em mình ra nước ngoài học. Chỉ có con em gia đình nghèo mới học ở các trường Việt Nam. Nhược điểm của nền giáo dục nước nhà là khi học sinh ra nước ngoài học có trình độ không bằng học sinh các nước bạn và sức học cứ đuối dần qua từng năm. Nguyên nhân không phải do người Việt Nam yếu kém, mà do chương trình giáo dục yếu kém.

Ví dụ, ở bậc phổ thông có 2 sai lầm cơ bản, đó là sau khi học xong THCS, học sinh phải vào học THPT và sau khi học xong THPT, học sinh phải vào ĐH. Trong khi đó, tại các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, sau khi học xong THCS, học sinh phần lớn đi vào các trường nghề (chỉ có một số ít học sinh có năng lực đi vào THPT để học lên ĐH). Đến khi học nghề xong, có công việc làm người ta tiếp tục học ĐH, CĐ. Đây là cách đào tạo rất uyển chuyển, tạo điều kiện thuận lợi cho người học và phù hợp với năng lực từng đối tượng.

Còn đối với chương trình THPT, ông cho rằng chương trình học hiện nay là nặng nề. Việc Bộ GD-ĐT phân ra từng ban như hiện nay là cứng nhắc. Lẽ ra, phải cho học sinh được quyền học nhiều ban trong suốt chương trình phổ thông thì mới nắm được kiến thức phổ quát. Giáo sư Hoàng Tuỵ khẳng định, hơn một nửa chương trình môn Toán giảng dạy ở THPT hiện nay là thừa, vô ích, làm khổ học sinh, vì không áp dụng vào cuộc sống sau này, mà chỉ dành cho những người học chuyên Toán.

Một thực trạng khác cho thấy chương trình giáo dục mang nặng sự áp đặt, bất cập. Việc dạy học ở trường nhồi nhét đối với học sinh, không khơi dậy tinh thần sáng tạo, tự học của các em. Trong khi đó, ở nền giáo dục của các nước khác trên thế giới, học sinh đến trường theo nghĩa vừa chơi, vừa học. Trong quá trình các em tự học, nếu có câu hỏi gì thắc mắc thì có thầy cô giáo hướng dẫn, chỉ bảo. Đây là hình thức giáo dục khơi dạy tính sáng tạo, sự say mê học tập của học sinh mà các nước đã thực hiện suốt mấy chục năm qua.

Những việc cấp bách cần làm

Theo Giáo sư Hoàng Tuỵ, cần phải chấn hưng, cải cách nền giáo dục thực sự, vì nền giáo dục đã không đáp ứng được yêu cầu CNH-HĐH đất nước trong giai đoạn hiện nay. Muốn làm được điều này, cần phải sửa đổi cơ bản cấu trúc, mục tiêu quản lý, phát triển giáo dục, chứ không sửa đổi lặt vặt như thời gian vừa qua.

Trên cơ sở đó, ông nêu ra ba giải pháp cấp bách sau đây: Một là, Cải thiện cơ bản chính sách đối với người thầy, giải toả nghịch lý lương/thu nhập để người thầy an tâm làm việc, ý thức trách nhiệm cao cả của mình.

Hai là, đổi mới căn bản việc học và thi ở THPT, khắc phục giáo dục đồng loạt và xóa bỏ “khổ dịch” thi cử. Vì chất lượng dạy ở đây thể hiện chất lượng toàn cấp, đồng thời là chất lượng đầu vào cho ĐH, CĐ trong nước và du học nước ngoài.

Ba là, xây dựng mới một hoặc hai ĐH đa ngành hiện đại, đạt các chuẩn mực quốc tế về mọi mặt, làm hoa tiêu thúc đẩy toàn ngành ĐH hội nhập với thế giới. Ở mỗi chuyên ngành, phải có ít nhất 3-4 chuyên gia tầm cỡ quốc tế làm nòng cốt.

Ngọc Đoan

;
.
.
.
.
.