(ĐNĐT) - Ngày 29-7, ĐH Đà Nẵng hoàn tất chấm điểm tuyển sinh đại học năm 2009. Đặc biệt nhất trong kỳ thi lần này, thí sinh Hồ Quý Phương (trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cùng lúc đoạt thủ khoa ở cả hai khối A và B của ĐH Đà Nẵng với điểm 10 tuyệt đối ở môn toán cả hai khối. Ngoài ra, các học sinh trường THPT Lê Quý Đôn chiếm toàn bộ vị trí thủ khoa các khối C, D còn lại.
Hồ Quý Phương: Bứt phá đoạt thủ khoa
Kể từ sau khi đoạt giải nhất môn toán kỳ thi học sinh giỏi TP Đà Nẵng năm lớp 9 và lớp 10, Hồ Quý Phương lại lận đận hai năm liền sau đó ở vị trí giải ba môn toán và rơi khỏi đội tuyển quốc gia. Kể từ tháng 3 vừa qua cho đến kỳ thi đại học 2009, Hồ Quý Phương đã có cú bứt phá ngoạn mục chiếm hai vị trí thủ khoa.
Góc học tập với bộ sách toán là tài sản quý giá nhất của Phương. |
Với tổng số điểm 3 môn thi khối A chưa kể điểm ưu tiên là 29,50 điểm, Quý Phương trở thành thủ khoa của Trường ĐH Bách khoa, đồng thời là thủ khoa Đại học Đà Nẵng. Trong đó, Phương đạt điểm 10 tuyệt đối ở môn Toán và Vật lý, Phương là thí sinh duy nhất đạt 10 điểm môn Toán trong tổng số 30.007 thí sinh dự thi môn Toán tại ĐHĐà Nẵng. Ngoài ra, môn Hóa học còn lại em đoạt 9,50 điểm. Còn ở khối B, Hóa học Phương đạt 8.25 điểm, Toán 10 và Sinh học 9.5, điểm làm tròn của Phương đạt thủ khoa khối B với 28 điểm.
Gặp Phương chiều 29-7, sau khi biết mình đã đỗ thủ khoa cùng lúc 2 khối A và B của ĐH Đà Nẵng, Phương vẫn đang giải những bài toán trong các tờ báo Toán học và Tuổi trẻ, Toán tuổi thơ số cũ mà Phương chưa kịp xem do bận thi đại học.
Bà Huỳnh Thị Xuân, mẹ của Phương cho biết đó là sở thích và cũng như món ăn tinh thần không thể thiếu hằng tuần của Phương từ khi học cấp 1. Ngoài đọc báo chuyên ngành hay những cuốn sách toán dày mo, Phương còn thường xuyên tìm trên internet những bài tập toán, cách giải mới lạ để tìm hiểu.
“Có những bài toán trong báo Toán Tuổi Thơ em đã giải hồi lớp 6 rồi, nhưng bây giờ em thử giải theo phương pháp mới cảm thấy rất thú vị. Em nghĩ đó là cách để đầu óc mình tư duy được nhiều hơn, nhưng lại rất thoải mái vì có cảm giác như vừa xem chơi, vừa tập luyện trí não”, Phương giải thích.
Phương cho biết, em bắt đầu lên kế hoạch ôn tập cho kỳ thi đại học từ khi ăn Tết Kỷ Sửu xong. Hai tháng trước ngày thi đại học, Phương bắt đầu tăng tốc. Tuy nhiên, Phương đã bỏ thói quen cố gắng học thêm càng nhiều càng tốt những kiến thức mới mà theo Phương, đó là nguyên nhân khiến em lơ là về phương pháp làm bài nên không đạt giải cao ở các kỳ thi toán học sinh giỏi trước đó. “Em đã hiểu khoảng thời gian trước khi thi là lúc nên hệ thống lại kiến thức đã có sẵn, hoàn thiện các kỹ năng và phải cho đầu óc thoải mái để có sự nhạy bén khi đọc đề thi”.
Rút kinh nghiệm từ kết quả không tốt trong kỳ thi học sinh giỏi toán thành phố, Phương sưu tầm ba-rem chấm điểm môn toán của các kỳ thi, dành nhiều thời gian nghiền ngẫm kỹ để cố gắng thay đổi phương pháp làm bài của mình theo ba-rem đó. Mỗi ngày, Phương chỉ cho phép mình giải tối đa 2 đề thi để dành thời gian đối chiếu, rút tỉa kinh nghiệm và tập trung suy nghĩ sửa những lỗi mắc phải trong bài làm. Còn đối với môn Vật lý, thông qua các bài làm trắc nghiệm, Phương tự rút ra cho mình những kiến thức cần nằm. Và đối với môn Hóa học, Phương có hẳn một cuốn vở dày để ghi chú những thủ thuật khi gặp phải các bài tập khó, cũng như cách trình bày để đạt điểm tối đa.
Phương cho biết, lúc nào buổi tối Phương cũng phải tự dành cho mình một chút thời gian rảnh để chơi đàn guitar classic như một cách thư giãn nhẹ nhàng nhất. Ngoài ra, anh chàng này rất mê các game chiến thuật, dàn trận và đặc biệt là rất thích dạy em gái đang học lớp 6 trường THCS Nguyễn Khuyến giải bài tập toán.
Tăng Chánh Tín: Thủ khoa chuyên Sử mê tiền cổ
Thủ khoa khối C của Đại học Đà Nẵng là một chàng trai đến từ lớp 12C2 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Tín học chuyên môn Lịch sử từ năm lớp 9, đó là khi cô giáo chọn người đưa vào đội tuyển Lịch sử của trường THCS Hòa Phát (nay là trường THCS Nguyễn Công Trứ), Tín đã ngẫu nhiên giơ tay xung phong.
Tăng Chánh Tín rất mê tiền cổ. |
Tuy nhiên, nhìn lên góc tường nơi phòng khách nhà của Tín: giải nhì môn Lịch sử kỳ thi học sinh giỏi TP năm lớp 9; 3 giải nhất thành phố vào các năm lớp 10, 11 và 12 cho trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, 2 Huy chương Bạc kỳ thi Olimpic tại TPHCM (lớp 10 và 11), giải nhì và giải ba quốc gia môn Lịch sử, thì có thể nói đó là một cái giơ tay ngẫu nhiên nhưng đáng giá bằng vàng.
Trong kỳ thi đại học vừa qua, Chánh Tín đoạt 6,5 điểm môn Văn, 9 điểm Lịch sử và 8,75 điểm môn Địa lý. Tín nói: “Em nghĩ muốn học tốt Lịch sử cần có quá trình tích lũy lâu dài, biết cách học mọi lúc mọi nơi. Lịch sử có sự liên hệ với rất nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Mỗi lần xem ti vi, đọc sách, báo thấy sự kiện liên quan em đều cóp nhặt là liên tưởng đến bài học của mình”.
Có lẽ vì vậy mà Chánh Tín có được một kiến thức rộng và chắc chắn. Với Tín, sau giờ học các môn học bài như Văn, Sử, Địa ở trường, Tín tranh thủ học lại ngay. Và sau đó thường xuyên ôn tập khoảng 4 – 5 lần cho đến kỳ thi thì mới nhớ chính xác được dữ liệu. Nhà của Tín cách trường học hơn 10 cây số, nên buổi trưa Tín không về mà tranh thủ vào thư viện mượn các tạp chí lịch sử như Xưa và Nay, Khoa học Lịch sử để nghiền ngẫm. Tuy nhiên, đối với sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, Tín cho biết không nên học lan man mà phải nắm được những trọng tâm của bài.
“Bí kíp” của Tín chỉ là một tập giấy, trong đó em tự hệ thống theo dạng mục mục toàn bộ các giai đoạn lịch sử phức tạp mà chỉ có Tín nhìn vào mới hiểu và lẩm nhẩm nhớ lại những kiến thức đã có trong đầu.
Cô Trần Thị Tố, mẹ của Tín cho biết: “Ban đầu gia đình cũng không muốn cho Tín học khối C, nhưng thấy Tín đam mê quá nên cũng ủng hộ. Giờ rảnh, thay vì online, chơi game như các bạn, Tín dành dụm được đồng nào là đi tìm mua những đồng tiền cổ để sưu tập, hiện nay Tín đã có trên 100 loại tiền cổ các loại”.
Và bí quyết của Tín là: “Không viết bậy nếu không nắm chắc, đặc biệt đối với khối C - các môn học bài, thì học nhiều chưa chắc đạt điểm cao, mà chỉ có bình tĩnh vận dụng tối đa kiến thức vào bài thi mới thành công”.
Phan Vĩnh Hằng: Năng nhặt chặt bị
Hỏi chuyện cô thủ khoa khối D trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, cô nàng chỉ cười và khiêm tốn cho rằng mình chẳng có bí quyết gì cả. Nhưng một người luôn sát cánh bên Hằng lại cho rằng, em đã chuẩn bị cho kỳ thi đại học ngay từ học kỳ 1, chứ không chờ đến vào mùa thi mới ôn tập.
Với trí nhớ khá tốt, Hằng cho rằng mình có lợi thế học bài nhanh và có kế hoạch học tập khá ngẫu hứng, đã có cảm hứng học môn gì thì Hằng học miệt mài đến khi nào chán mới thôi. Buổi sáng và chiều, Hằng tập trung giải đề Toán và ôn một chút kiến thức Anh văn bởi lẽ đó là khoảng thời gian Hằng có thể tập trung cao độ nhất. Buổi tối là giờ học môn Văn của Hằng, sau khi nắm chắc các luận điểm, dàn bài, Hằng bắt đầu đọc sách tham khảo, chủ yếu để học cách diễn đạt trong câu chữ.
Hằng học lớp 12 chuyên Anh trường THPT Lê Quý Đôn, khi nhận tin báo từ một người bạn rằng cô đã đoạt thủ khoa, Hằng còn không tin vì cứ tưởng bạn bè chỉ chọc cho vui. Nhưng thật bất ngờ với số điểm 32,5 (Văn 7,5 điểm; Toán 8 điểm; 17 điểm ngoại ngữ sau khi nhân hệ số 2), Hằng đã đứng ở vị trí cao nhất. “Thật ra em thấy học tập không thể nhồi nhét được mà cứ phải từ từ mới nạp vào trong đầu, nên chủ yếu là mình chịu khó học đi học lại nhiều lần, lên kế hoạch học tập càng sớm càng tốt thì sẽ thành công”.
Lục Ngạn