Nhớ không lầm thì đã hơn chục năm rồi tôi không đụng tới cây bút máy. Sáng nay, tôi dậy sớm hơn mọi ngày, việc đầu tiên là lao tới bình mực tím bơm cho đầy thân bút. Hôm nay, tôi đi học viết chữ.
Học ngồi, học cầm bút
Viết chữ đẹp phần nào thể hiện tính cẩn thận ở một con người. |
Sáng nay là một ngày khác. Tôi đến Trung tâm luyện chữ viết. Cô giáo phát cho cuốn vở khổ A4 với chi chít ô ly và những chữ cái mẫu a, b, c. Tôi trở thành cô học trò vụng về bên cậu bạn là học sinh lớp 6. Cậu ấy học hơn tôi nhiều buổi nên đã có thể viết được nhanh, chép cả bài thơ dài với nét chữ đều và đẹp. Tôi, cô bạn “già” loay hoay với nét thẳng đứng, nét thẳng xiên bên trái, thẳng xiên bên phải, nét móc... Mất nửa buổi, tôi được cô khen và cho tập viết… chữ i (i ngắn).
Mà đâu phải hễ cầm bút lên là viết cái rẹt như thói quen mỗi ngày. Bài đầu tiên tôi học là cách ngồi đúng tư thế, cách để vở và cách cầm viết đúng. Lưng thẳng, chân đặt song song thoải mái trên nền nhà, hai cánh tay đặt trên bàn, không tì ngực. Mắt cách vở 25 - 30 cm, bàn tay trái giữ nhẹ vở.
Bút được cầm bằng ba ngón tay. Ngón cái đẩy bút sang phải. Ngón trỏ đưa bút xuống. Ngón giữa hất bút lên. Bài tập tưởng quá dễ nhưng hóa ra lại khó với người đã quen bạ đâu viết đó, cầm bút mà ngón cái lại đè lên ngón trỏ, hoặc viết bằng cách dùng tất cả các ngón tay gõ phím.
Các giáo viên dạy viết chữ tỏ ra lo lắng vì rất nhiều bé mẫu giáo quen cong cổ tay, thay vì xoay giấy, khi tô màu nên lúc cầm bút cũng thường bị cong, dẫn đến cầm bút sai, khó sửa. Cầm bút không đúng sẽ khó viết chữ đẹp.
Người già, thanh niên và cả bà bầu rủ nhau đi học viết
Tại Đà Nẵng, hiện có khá nhiều trung tâm luyện viết chữ đẹp. Trong khoảng 2 năm kể từ khi loại hình này được phổ biến trên địa bàn thành phố, luyện viết chữ đã thu hút nhiều người theo học. Trong mùa hè năm nay, số học viên càng tăng rõ so với bình thường. Một giáo viên dạy viết chữ cho biết: “Chúng tôi dạy 10 tiếng đồng hồ/ngày mà không xuể”.
Cũng bảng đen, phấn trắng, nhưng không có tiếng ê, a hoặc tiếng giảng bài rôm rả. Chỉ là những cuộc đối thoại bằng đường nét để ra những con chữ đẹp, các lớp học chữ khá lặng lẽ với sự kèm cặp một thầy - một trò hoặc một thầy - hai, ba trò. Theo các giáo viên, chữ mà nhiều người viết sai nhất là r, s hoặc những chữ có nét khuyết như chữ k, h...
Viết đẹp mà chậm, vẫn chưa đạt yêu cầu. Học viết chữ đòi hỏi sự kiên trì. Người học viết phải luyện tập hằng ngày để tạo thói quen, khi viết nhanh vẫn bảo đảm đều và đẹp. Dẫu sao, chữ viết là phương tiện truyền đạt nên cần sự nhanh chóng. Trung bình mỗi dòng mất một phút. Một đoạn văn 15 dòng phải được viết không quá 15 phút. Thời gian dài hơn coi như thua.
Tại Trung tâm luyện viết chữ MN trên đường Đống Đa, học viên đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, mục đích và động cơ học tập. Học viên nhỏ tuổi nhất đang theo học mẫu giáo, trong khi đó, cụ bà 61 tuổi-người cao tuổi nhất lớp, cũng miệt mài ngồi rèn chữ vì thấy thích thú và muốn thử sức cho vui.
Các giáo viên tại đây còn cho hay, có cả học viên là phụ nữ sắp sinh con, nhân viên ngân hàng, nhân viên kiểm toán, giáo viên mầm non, THCS, THPT… Có cô gái trẻ đi luyện chữ để viết thư cho người yêu, trẻ em đi học vì ba mẹ muốn con viết chữ đẹp, thanh niên thì vì bị đánh rớt đơn xin việc do chữ viết tay quá tệ nên đi học để “phục hận”…
Theo các giáo viên, thường là những người kiên trì và chăm chỉ luyện tập (yếu tố chiếm 80% kết quả luyện chữ), hoặc đã từng nếm trải sự “cay đắng” do chữ quá xấu thì học nhanh tiến bộ hơn các đối tượng khác. Sau khoảng 12 buổi học, học viên sẽ tự cảm nhận được sự tiến bộ trong từng nét chữ của mình và lúc đó, họ sẽ thấm cái cảm giác “đã” là thế nào khi nhìn những dòng chữ do chính tay mình viết trên trang giấy. Tôi biết, đó cũng chính là niềm vui và hạnh phúc của những giáo viên luyện chữ.
Không thể đoán định toàn bộ tính cách con người qua chữ viết. Nhưng chữ đẹp, bài viết sạch sẽ cũng phần nào thể hiện tính cẩn thận, ý thức tự tôn và biết tôn trọng người khác ở người viết.
Bài và ảnh: THU HOA