Hốt bạc mùa thi
Sau mỗi buổi thi, điểm Trường Cao đẳng Công nghệ lại trắng xóa những tờ rơi. |
Dù thời tiết dịp thi không quá nóng, nhưng cà-phê, nước dừa, nước mía, trà đá, nước ngọt đóng chai vẫn bán đắt như tôm tươi. Chị Hà, người bán cà-phê “cóc” trên đường Ngô Quyền đối diện Trường ĐH Kinh tế cho biết, một ngày bình thường, chị bán chỉ 60-70 ly cà-phê là nhiều, vậy mà 3 ngày nay, ngày nào cũng trên 300 ly.
Giá mỗi ly cà-phê sữa 4 nghìn đồng nhưng mấy ngày nay, quán nào cũng nâng lên 5-6 nghìn đồng. Tương tự, một trái dừa tươi 8 nghìn đồng nhưng do nhu cầu tăng, nên họ “chém” 10-12 nghìn đồng là chuyện thường (bán tại điểm thi Trường Cao đẳng Công nghệ). Trước cổng Trường THPT Trần Phú, do ít quán xá cho nên giá một ly nước chanh đá bị đẩy lên 10 nghìn đồng, bò húc 12 nghìn, Coca 8 nghìn đồng/lon. Dù nhiều phụ huynh không khát nước, song vẫn chấp nhận trả tiền cao hơn là vì cần một chỗ ngồi bóng mát để chờ đón con, cháu.
Trên đường Ngô Sĩ Liên (bên hông Trường ĐH Bách khoa) chỉ dài nửa cây số nhưng có hơn 20 quán cơm bình dân, giá 10-15 nghìn đồng/đĩa. Bội thu không kém là những xe nước mía, cao điểm nhất là khi thí sinh vừa ra khỏi phòng là ồ ạt tấp vào giải cơn khát. Quán nước mía đối diện cổng Trường ĐH Bách khoa dù có đến 5 người phục vụ vẫn không kịp bưng cho khách.
Mặt bằng không có, người ta cạo và ép mía ngay trong nhà rửa xe, mặc cho bụi bặm, dầu nhớt loang lổ. Các tiệm Internet thì chật cứng các thí sinh vào để tra cứu đáp án, cứ một lượt người ngồi vào máy là phải trả 5 nghìn đồng, bất kể bao nhiêu phút. Dịch vụ điện thoại công cộng để liên lạc với người thân được mùa, mỗi cuộc gọi được tính thêm 500 đồng tiền “nhấc máy”.
Sau mỗi buổi thi, khi các thí sinh trở về nhà trọ để nghỉ ngơi, sân trường đã vãn người là lúc rác tờ rơi, quảng cáo nằm trắng xóa mặt đường. Đó là quảng cáo điện thoại, bán hàng trả góp, giới thiệu trường dạy nghề Vinashin… và cả không ít những bộ giải đề thi được tung ra. Chưa hết giờ thi, đã có hàng chục người đứng tiếp thị bộ giải đề môn thi trước ở ngoài đường.
Có mặt tại tiệm photocopy trên đường Ngô Sĩ Liên, chúng tôi gặp một thanh niên mặc áo SV ĐH Đà Nẵng đang photocopy thêm 20 bộ đề giải toán. Khi được hỏi, “em lấy từ đâu ra bộ giải đề này” thì trả lời: “Em thấy người ta tải trên mạng nên cũng mượn để photo rồi ra bán kiếm ít tiền tiêu”. Trong khi một bộ giải đề photocopy chỉ 800 đồng (3 tờ giấy) thì SV này bán tới 4-5 nghìn đồng/bộ.
Nhìn những đáp án giải đề của nhiều mạng như MediaVN, mạng Giáo dục Việt Nam và những mạng khác, chúng tôi hỏi lại về sự bảo đảm thì các SV này nói không biết? Mỗi khi các bộ đề được bán hết, các SV lại liên lạc với các chủ tiệm photocopy để in sang bán tiếp. Khi hàng loạt các báo đăng tải giải đáp án các môn thi đã bán hết, nhiều người cắt báo ra photocopy để rao bán với giá 2-3 nghìn đồng/tờ.
Nhiều “cò” giả sinh viên tình nguyện
Xuất hiện đông đảo trong màu áo xanh thanh niên tại cổng các điểm thi, bến xe, là những nhóm sinh viên (SV) tình nguyện. Bên cạnh những người làm nhiệm vụ hướng dẫn thí sinh và người nhà về thông tin các điểm thi, địa chỉ nhà trọ, quán ăn…, đã có nhiều đối tượng giả danh SV tình nguyện để móc nối với các chủ nhà trọ đưa người đến thuê nhà với giá cao.
Cô Dương Thị Mười (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, sáng ngày 3-7, vừa xuống xe, hai mẹ con được một SV áo xanh đến hỏi thăm và “mời” cô đến một nhà trọ nằm phía sau đường tàu (gần KTX Trường ĐH Bách khoa) để ở với giá 20 nghìn đồng/phòng. Tuy nhiên, khi đến đây, bà chủ nhà một mực đòi 250 ngàn đồng/phòng. Dù rất bực mình, nhưng không rành đường sá, lại lo cho sức khỏe của con và chuẩn bị đến giờ làm thủ tục cho ngày thi, nên cô Mười đành bấm bụng chịu thuê với giá cao.
Sáng ngày 4-7, tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm (phường Hòa Khánh Nam), chúng tôi nhận được phản ánh của cô Nguyễn Thị Hương ( huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh): Hai mẹ con được một SV tình nguyện “chỉ” đến một địa chỉ phục vụ ăn uống ở đường Nguyễn Lương Bằng, khi kêu 2 ly trà đá và 2 đĩa cơm thịt kho trứng với rau dền, chị nghĩ chắc chỉ 30 chục ngàn, không ngờ bị tính tới 60 nghìn đồng mà trong lòng không khỏi ấm ức.
Rất nhiều phụ huynh ở nông thôn đưa con đi thi đã tích cóp, dành dụm những đồng tiền ít ỏi, vì thương con nên phải chi tiêu đắt đỏ mà tâm trạng xót xa. Tình trạng các “cò” lợi dụng mác SV tình nguyện để kiếm ăn tại các điểm thi không hiếm, song vẫn chưa thấy trường hợp nào bị xử lý.
Chỉ qua hai ngày thi của đợt 1, nhưng đã thấy nhiều hình ảnh không đẹp diễn ra tại các điểm thi, khiến các bậc phụ huynh và thí sinh nhiều phen lo lắng. Cũng vì thế mà lực lượng công an phải vất vả lắm mới giữ được tình hình an ninh trật tự. Hy vọng đợt thi thứ 2, các cơ quan chức năng sẽ khắc phục được tình hình trên.
Trong khi nhiều người kinh doanh các dịch vụ ăn uống “tranh thủ chặt, chém”, thì Lương y Lê Văn Một (phường Hòa Khánh Bắc) đã cho hơn 20 thí sinh lưu trú và hằng ngày phục vụ cơm, nước cho các thí sinh mà không thu tiền. |
Bài và ảnh: DUYÊN ANH