Lần đầu tiên rời xa gia đình để vào thành phố ôn thi, nhiều thí sinh đã không tránh khỏi những ngỡ ngàng với cuộc sống mới. Các bạn đang phải tự lập với bài học thích nghi đầu tiên trong cuộc đời.
Mọi chuyện đều mới lạ
Sau gần một tuần bỡ ngỡ với cuộc sống mới, đến nay Hoài Phương (bên trái) đã quen với nhịp sống ở thành phố. |
Tất cả những trở ngại đó khiến Phương bị lúng túng, nhiều lần cô phải điện thoại về nhà “tham khảo” ý kiến từ bố mẹ. Cô chia sẻ: “Thi xong tốt nghiệp là em vào đây ôn thi. Mấy ngày đầu đi ăn cơm bụi nhưng không ăn được vì ở đây nấu cái gì cũng ngọt và mặn hơn ở nhà. Đành phải góp tiền với đứa bạn đi sắm đồ bếp và tự nấu. Mà đi chợ cũng khổ nữa chị à. Nhiều người bán hàng thấy mình nói giọng lạ họ lại hét giá lên cao hơn.
Tự nấu thế này rất mất thời gian nhưng tụi em phải chịu khó vì còn bảo đảm sức khỏe để thi nữa”. Như gặp được người “tri kỷ”, Phương không ngần ngại bộc bạch tiếp với chúng tôi những khó khăn của buổi ban đầu: “Quê em cũng nắng nóng thế này nhưng ở nhà rộng rãi quen rồi, giờ vô đây phòng đã chật lại ở 2 người, 10 phòng trọ mà chỉ có một toa-lét, lại không bảo đảm vệ sinh, nên nhiều lúc cũng bị ức chế lắm”.
Câu chuyện của Hoài Phương không phải là trường hợp hiếm thấy vì với nhiều bạn trẻ, vào thành phố để ôn thi được xem là lần đầu tự lập. Phải tự mình giải quyết những tình huống bất ngờ xảy ra. Là con trai, vốn đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng bạn Đinh Ngọc Dũng (SN 1991), quê ở Nghệ An, ở dãy trọ cạnh Hoài Phương cũng không tránh khỏi những “bức xúc”: “Tụi em vào đây để ôn thi nên rất cần không gian yên tĩnh, nhưng ở cùng các anh chị sinh viên nhiều lúc họ mở nhạc lớn, mình nói không được nên có buổi dù ngồi trước bàn học cũng chỉ để nghe nhạc miễn phí thôi”.
Phải chủ động để thích nghi
Sau một tuần đầu bỡ ngỡ, cả Dũng và Hoài Phương đã tìm ra cho mình cách riêng để thích nghi với cuộc sống mới. Thay vì giữ trong lòng những khó khăn, Hoài Phương đã chân thành chia sẻ với “hàng xóm” là một chị sinh viên năm 3 Trường Đại học Sư phạm.
Từ đó Phương không chỉ có thêm người bạn để tâm sự, giúp mình làm quen với cả xóm trọ, mà còn được dẫn ra chợ giới thiệu cho những hàng quen để mua đồ không bị hớ. Chỉ vài ngày sau, Phương đã hòa nhập được với những sinh hoạt chung trong xóm trọ. Ngoài giờ học thêm ở lớp và ở nhà, thỉnh thoảng cô còn tham gia những buổi sinh nhật của các anh chị trong xóm.
Cũng như Phương, để khắc phục tình trạng “bị” cho nghe nhạc miễn phí, Dũng đã chủ động làm quen với các anh trong “xóm trọ”. Từ đó, cứ 5 giờ chiều, Dũng lại theo chân các anh đi đá bóng. Buổi tối học bài, có gì không hiểu lại nhờ các anh chỉ dẫn cho.
Ngẫm lại những gì đã trải qua sau gần 3 tuần vào trọ học để ôn thi, Hoài Phương rút ra kinh nghiệm: “Em thấy cách tốt nhất để hòa nhập với cuộc sống mới là mình phải chủ động làm quen với nó, nhất là những người xung quanh. Khi có thêm bạn, mình sẽ được giúp đỡ và cảm thấy mọi chuyện dễ dàng hơn rất nhiều. Như em bây giờ lại thấy thích cuộc sống tập thể thế này”.
Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng đang đến gần, các sĩ tử đang miệt mài từng ngày, từng giờ để không uổng phí 12 năm đèn sách. Nhưng, trước lúc vượt qua được cái ngưỡng quan trọng ấy, nhiều bạn đã có được bài học đầu tiên trong cuộc đời khi “ra riêng”.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA