.

Hết lòng vì sĩ tử

.

Giữa lúc các chủ trọ đua nhau tăng giá, ghép phòng, chèn thêm người trọ để kiếm thêm thu nhập nhân kỳ thi đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), chị Lê Thị Mai Trang, số 121 đường Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu-TP. Đà Nẵng đã tự nguyện dành gần 60 suất trọ vừa ở, ăn miễn phí cho các sĩ tử vào mỗi kỳ thi. Ngoài ra, chị còn là người giang rộng đôi tay giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm này của chị đã thực hiện gần 10 năm nay.

Chị Lê Thị Mai Trang đang dọn dẹp giúp các thí sinh.

Thời gian trước đây, nhà của chị Trang còn thiếu thốn và chật chội, lại đông người nên chỉ dành được mươi lăm chỗ cho thí sinh đến trọ để thi. Năm nay chị đã xây xong một căn nhà khang trang vừa để ở, vừa là cửa hàng của gia đình làm nghề thuốc gia truyền. Trong căn nhà này có 20 đến 30 sĩ tử đang ăn, ở miễn phí để chuẩn bị thi ĐH, CĐ. Chị Trang cho biết: “Nhà mình còn 2 căn nhà cũ nữa ở số 472 Nguyễn Lương Bằng cũng sẵn sàng đón tiếp khoảng 15 đến 30 người, cả học sinh và người nhà”.

Được biết, để chuẩn bị cho các sĩ tử vào ở nhà mình, gia đình chị lại có thêm những ngày nhộn nhịp, tất bật cho việc mua sắm, nào là chăn màn, chiếu gối, rồi soong nồi, bát đĩa... “để các em đỡ phải mua sắm, vừa mất thời gian, lại tiết kiệm để các em chuyên tâm vào ôn thi” – chị tâm sự. Rút kinh nghiệm nhiều năm trước, các em đi thi ăn các loại thức ăn đường phố thường nấu để lâu, lại không vệ sinh, có nhiều em bị đau bụng phải bỏ thi. Thế là mỗi ngày, gia đình chị phải tăng thêm vài chục suất ăn và đều được chị cùng các thành viên trong gia đình chuẩn bị tươm tất, vừa bảo đảm chất lượng và số lượng.

Chị tâm sự: “Các em từ quê xa ra đây thi ĐH, phần lớn đều có những hoàn cảnh rất khó khăn. Gia đình họ phải vay mượn hoặc cầm cố để có tiền cho con đi thi, rồi các em phải dồn tâm sức cho chuyện thi cử với bao nỗi lo. Vì vậy, có thể giúp được gì để các em yên tâm thi thì chị sẽ giúp hết lòng. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là tất cả những công việc chị làm đều miễn phí, chị không lấy của em nào một đồng. Bạn Nguyễn Thị Nguyên, sinh viên tình nguyện “Tiếp sức mùa thi”, điểm trước cổng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết: “Năm trước em cũng làm tình nguyện ở đây, cũng thấy chị Trang tất bật vừa đón thí sinh, vừa phải lo cho các em ăn ở... Thấy chị làm tình nguyện mà chúng em phải nghĩ lại mình và tự hứa là phải cố gắng học tập noi theo gương chị...”.

Khi được hỏi xuất phát từ đâu mà chị có một tấm lòng nhân ái, cao cả đến vậy, chị chỉ cười và nói: Mình đều là con người, sẽ có lúc này lúc khác. Trước đây mình cũng khó khăn, vất vả, thiếu thốn nên mình hiểu và thông cảm với các em. Bây giờ mình đỡ hơn, ai lại làm khó cho họ, có ai giàu sang lên vì những đồng tiền này đâu!

Được biết trước đây gia đình chị Trang nghèo lắm, lại đông anh em. Học xong cấp 3, vì nhà quá nghèo, chị không có tiền để đi thi ĐH. Vì thế, khát khao vào ĐH của chị đành gác lại mà chỉ nối nghiệp làm thuốc gia truyền. Không chỉ là một bảo mẫu của các sĩ tử, chị còn là một người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh. Chị sẵn sàng giúp đỡ, miễn giảm toàn bộ tiền thuốc nếu các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn khi đến với chị. Những ngày thường chị Trang vẫn được mọi người trong khu phố xem là một “mạnh thường quân” trong việc giúp đỡ các hoàn cảnh, mảnh đời bất hạnh vượt qua khó khăn.

Chia tay chị, chúng tôi không khỏi luyến tiếc, chỉ muốn được nghe chị kể mãi những câu chuyện về những mảnh đời, hoàn cảnh không may mắn được chị giúp đỡ. Trong cuộc sống bon chen, nhiều người đã coi mùa thi là mùa làm ăn, là cơ hội để tăng giá, bắt chẹt, thì những việc làm của chị Trang thật đáng trân trọng.

Bài và ảnh: HUY HOÀNG-T. HOA

 

;
.
.
.
.
.