.
HỌC SINH VÀO LỚP 1

Chạy trường bằng... hộ khẩu

.

Đến hẹn lại lên, vào mùa tuyển sinh năm học mới 2009-2010, nạn chạy trường bằng hộ khẩu lại tái diễn ở các trường tiểu học có chất lượng giáo dục cao thuộc địa bàn quận Hải Châu. Tình trạng này  khiến cho nhiều trường bị vỡ kế hoạch tuyển sinh, tiếp tục quá tải học sinh trong năm học 2009-2010.

Trong những lớp học hè, liệu trẻ có được “học mà chơi một cách đúng nghĩa”. (ảnh minh họa)

Bà Tôn Nữ Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết, để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm học 2009-2010, trong năm 2008, Ban giám hiệu nhà trường tổ chức cho giáo viên điều tra phổ cập, nắm số lượng trẻ em trong độ tuổi vào lớp 1 trên địa bàn tuyển sinh của trường. Tại thời điểm điều tra, trên địa bàn có 33 trẻ em trong độ tuổi vào lớp 1. Thế nhưng, đến lúc nhà trường tuyển sinh lớp 1 năm học 2009-2010, có thêm 60 hồ sơ học sinh có hộ khẩu thường trú từ năm 2006 xin nhập học. Chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường năm học 2009-2010 là 4 lớp 1, nay phải điều chỉnh tăng lên thành 5 lớp.

Tương tự, kết quả điều tra phổ cập của Trường tiểu học Phù Đổng, trẻ em trong độ tuổi vào lớp 1 trên địa bàn tuyển sinh là 219 em. Nhưng đến khi tuyển sinh, Ban giám hiệu Trường tiểu học Phù Đổng mới “tóa hỏa” vì có đến 651 hồ sơ có hộ khẩu từ năm 2006 nộp vào trường. Tất cả các hồ sơ nhập học này đều hợp lệ, nên buộc nhà trường phải tiếp nhận các em vào học.
 
Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm học 2009-2010 là 270 học sinh, với 8 lớp 1. Trước tình thế này, nhà trường chỉ còn biết điều chỉnh từ 8 lớp 1 lên thành 14 lớp. Và để giải quyết chỗ học cho học sinh của 6 lớp 1 phát sinh, trong năm học 2009-2010, nhà trường phải cắt xén thời gian học của các lớp dạy 2 buổi/ngày xuống còn 1 buổi/ngày.

Cũng như hai trường vừa nêu trên, số lượng trẻ em vào lớp 1 trong điều tra phổ cập năm 2008 của Trường tiểu học Phan Thanh là 73 trẻ. Thế nhưng, vào mùa tuyển sinh lại có đến 236 hồ sơ nộp vào trường. Số lượng hồ sơ phát sinh nhiều, làm cho nhà trường bị vỡ chỉ tiêu tuyển sinh 2 lớp 1. Để có chỗ học cho học sinh, Ban giám hiệu nhà trường cải tạo một căn phòng của Ban Quản lý dự án quốc lộ 1A, Liên Chiểu-Thuận Phước và một căn phòng trong trường để bố trí cho hai lớp này học. Mặt khác, Ban giám hiệu nhà trường đề nghị Phòng Giáo dục-Đạo tạo quận tăng cường thêm hai giáo viên giảng dạy.

Để có “tấm vé” cho con em mình vào học ở những trường có chất lượng ở quận Hải Châu, những năm gần đây, phụ huynh đã chọn con đường chuyển hộ khẩu con em mình về địa chỉ nhà người thân, quen… cho đúng tuyến tuyển sinh.   Đây là cách chạy trường hợp pháp buộc các trường phải tiếp nhận các em vào học.

Trong lúc đó, trước mỗi mùa tuyển sinh, Ban giám hiệu các trường đều phối hợp với các tổ dân phố đến từng nhà dân điều tra số lượng trẻ em trong độ tuổi vào lớp 1 trong năm học mới để xây dựng kế hoạch tuyển sinh cho năm học. Nhưng vì cách chạy hộ khẩu như nêu trên nên đến mùa tuyển sinh các trường đều gặp phải tình trạng số trẻ em trong độ tuổi vào lớp 1có hộ khẩu trên địa bàn lại tăng gấp nhiều lần so với kết quả điều tra phổ cập trước đó.

Ông Lê Văn Lạc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Thanh cho biết, mặc dù số lượng trẻ em đến tuổi vào lớp 1 trên địa bàn tăng bất thường trong mỗi mùa tuyển sinh, nhưng nhà trường không thể không tiếp nhận các em vào học, vì các em đều có hộ khẩu đúng theo quy định trong quy chế tuyển sinh năm học. Ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Hải Châu ngán ngẫm: Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa tuyển sinh năm học mới, tình trạng chạy trường bằng hộ khẩu lại diễn ra, khiến cho các trường trở tay không kịp. Tình trạng trên đã gây không ít khó khăn trong công tác dạy và học của các trường.

Trước đó, để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2009-2010, UBND quận Hải Châu đã có văn bản quy định rõ: “Trường hợp HS có hộ khẩu thường trú từ ngày 31-12-2006 trở về trước thì được phép học đúng tuyến; trường hợp HS có hộ khẩu nhập theo gia đình ông, bà, cha mẹ từ ngày 1-1-2007 đến nay và đang ở tại nơi nhập hộ khẩu thì xem xét cho vào học đúng tuyến; còn những trường hợp còn lại sẽ điều chỉnh cho học tại các trường phổ thông khác trên địa bàn quận”. Đây được coi là giải pháp nhằm ngăn chặn nạn chạy trường bằng hộ khẩu. Nhưng xem ra, trước thực trạng chạy trường như vừa nêu trên, những quy định này vẫn chưa đạt hiệu quả mấy.

Bỏ chơi để học

Trong 3 tháng hè, nhiều phụ huynh gặp nhau đều hớn hở khoe: Con mình đã biết đọc và viết thành thạo tiếng Việt. Con tôi làm được cả toán cộng, trừ, nhân, chia. Cháu nhà tôi còn học cả tiếng Anh, nói bập bẹ được rồi… Nhưng lại rất ít người chịu để tâm nhìn lại, và tự hỏi: “Hè này, con mình đã được chơi những gì?”.

Dù cha mẹ nào cũng nằm lòng bài lý thuyết quen thuộc, rằng mùa hè là khoảng thời gian cần thiết giúp trẻ nghỉ ngơi, thư giãn và tránh cái nắng nóng gay gắt của miền nhiệt đới. Song, thực tế lại khác xa, tuy nghỉ hè nhưng phụ huynh lại vẫn đều đặn cho con đi học hằng ngày.  Mới cuối năm học, nhiều phụ huynh đã nhanh chân đăng ký cho con một suất vào các khóa học hè, nhất là những lớp bán trú. Tại một “lò” ôn luyện cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1, nằm sâu bên trong một con hẻm trên đường Ông Ích Khiêm, dưới cái nóng như đổ lửa, hơn 50 em học sinh đang bi bô ghép vần, đọc chữ, cả cô và trò đều mồ hôi nhễ nhại.
 
Giờ nghỉ giải lao, cô giáo nhỏ nhẹ yêu cầu: “Các em ngồi tại chỗ chơi với nhau, không được chạy nhảy lung tung nhé”. Vậy là, trò vui duy nhất mà các em có thể chơi cùng nhau là “oẳn tù tì”, nhiều em không thích chơi thì cặm cụi ngồi vẽ một mình, hoặc gục đầu trên bàn ngủ ngon lành. Chị Nhật Thu (phường Hòa Thuận Tây), trong lúc đợi đón con cho biết:
 
“Ngày hè, bắt con học nhiều chị thấy cũng thương, nhưng cho bé chơi hoài lại không yên tâm, vậy là sáng chở con đến lớp học thêm, chiều về tranh thủ cho con ra công viên hoặc bờ sông Hàn hóng gió, chạy nhảy. Giá bọn nhóc được như tụi chị ngày xưa, không có học thêm, học hè gì cả, lại có nhiều sân chơi tập thể rất bổ ích”.

Trước đắn đo của nhiều phụ huynh về việc cân bằng tỷ lệ chơi và học cho trẻ trong ngày hè, thầy Phan Chánh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Cao Vân khẳng định: “Đã là nghỉ hè, tất nhiên học sinh phải được chơi nhiều hơn, và nếu có học cũng chỉ dưới hình thức rèn luyện kỹ năng, bổ sung kiến thức, không nên đặt nặng về kết quả, ngay cả với việc học năng khiếu”. Đồng quan điểm này, một giáo viên tại Nhà Thiếu nhi Đà Nẵng cho biết:
 
“Việc dạy năng khiếu cho các cháu trong hè gần như một hình thức sinh hoạt tập thể, để chúng có chỗ vui chơi và học hỏi thêm nhiều điều mới mẻ. Phụ huynh đừng quá kỳ vọng con mình sẽ thành tài ngay từ các lớp học trong hè, nhất là khi độ tuổi các em còn quá nhỏ”. Thầy Chánh cũng nói thêm: “Việc dạy trước chương trình cho học sinh trong hè là một phương pháp giáo dục sai lầm, bởi khi vào học chính thức, các em sẽ không còn tìm thấy sự mới mẻ, hứng thú từ những bài giảng của giáo viên, thay vào đó lại là thái độ chủ quan, ỷ lại, lười khám phá và học hỏi.
 
Tuy nhiên, dưới sức ép của xã hội hiện đại, các bậc phụ huynh không muốn con mình thua kém bè bạn, những lớp học thêm trong hè vẫn cứ mọc lên, vì thế có cầu ắt có cung và cuối cùng học sinh lại là người gánh chịu tất cả những áp lực đó”.

Bài và ảnh: Ngọc Đoan-Ngô Đồng

;
.
.
.
.
.