(ĐNĐT) - Trong hai ngày 24 và 25-7, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Giáo dục-Đào tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2008-2009 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm học 2009-2010. Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị.
Chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh
Bộ Giáo dục-Đào tạo cho biết, chủ đề của năm học 2009-2010 là “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Theo đó, trong năm học này, toàn ngành nỗ lực tiếp tục thực hiện ba cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Chống tiêu cực trong thi cử và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo trao Bằng khen cho của Thủ tướng Chính phủ cho đại diện Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố Đà Nẵng. |
Năm học 2009-2010 toàn ngành tập trung đổi mới quản lý giáo dục trong tất cả các bậc học, cấp học. Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nâng cao chất lượng giáo dục. Và duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập và chống mù chữ, phấn đấu đạt mục tiêu phổ cập giáo dục THCS vào cuối năm 2010. Bắt đầu từ năm học 2009-2010, chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua “đọc-chép” ở các trường THCS và THPT.
Theo báo cáo tổng kết năm học 2008-2009 của Bộ Giáo dục-Đào tạo, năm học qua, nhờ tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, chất lượng giáo dục ở các bậc học đã tăng lên rõ rệt. Đáng lưu ý, cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” qua ba năm thực hiện đã đi vào chiều sâu và đã thực sự thúc đẩy giáo dục phát triển theo hướng thực chất. Nhờ đó, tình trạng học sinh yếu kém đã được quan tâm khắc phục, học sinh bỏ học giảm 41% so với năm học trước. Bên cạnh đó, công tác cải tiến thi cử đã kích thích được tinh thần tự học, sáng tạo của học sinh, bước đầu tạo sự đồng thuận của xã hội.
Việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá ở một số bộ môn như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân được triển khai mạnh mẽ, tạo sự chuyển biến trong dạy-học; các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng học sinh ngồi sai lớp, học sinh yếu kém, học sinh bỏ học ở các cấp cũng được triển khai quyết liệt. Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và 3 cuộc vận động của ngành phát huy được mặt tích cực, tạo ra được những tiền đề mới cho phát triển giáo dục-đào tạo ở những năm kế tiếp.
Những yếu kém, hạn chế cần sớm khắc phục
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, phấn đấu và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong năm học 2008-2009, song Bộ Giáo dục-Đào tạo cũng đã thừa nhận ngành hiện vẫn còn tồn tại 5 hạn chế, yếu kém cần được khắc phục như: Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, học sinh yếu kém còn chiếm tỉ lệ cao; quản lý giáo dục còn nhiều bất cập, hạn chế; kết quả về đổi mới phương pháp dạy học vẫn còn hạn chế, vẫn còn phổ biến tình trạng thầy đọc-trò chép; tình trạng thiếu, thừa giáo viên ở các cấp học đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được Bộ giải quyết triệt để; cơ sở vật chất kỹ thuật nhà trường ở nhiều địa phương vẫn còn thiếu thốn, lạc hậu.
Dựa trên kết quả đạt được và chưa đạt được trong năm học vừa qua, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã rút ra các bài học kinh nghiệm: Để thực hiện thành công những chủ trương lớn của ngành, điều tiên quyết là phải quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển giáo dục là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Từ đó xây dựng các chương trình phối hợp với các cấp, các ngành… nhằm huy động các lực lượng xã hội trực tiếp tham gia và hỗ trợ các hoạt động giáo dục, tạo sự đồng thuận của xã hội; việc đổi mới sự nghiệp giáo dục vừa là nhu cầu cấp bách, vừa phải được chuẩn bị kỹ, đồng bộ về mô hình thực tiễn, nhận thức của các tầng lớp xã hội, sự sẵn sàng của đội ngũ thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục; các cấp quản lý giáo dục tích cực đề xuất với các cấp có thẩm quyền những vấn đề có tính chiến lược cho phát triển giáo dục.
Phải bám sát thực tiễn, cơ sở một cách có kế hoạch, sẵn sàng nghe các khó khăn yếu kém ở cơ sở để giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh.; để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, phải quán triệt sâu sắc yêu cầu Nhà nước quản lý chất lượng giáo dục và đánh giá trung thực kết quả học tập và rèn luyện của học sinh; chuẩn hóa các yếu tố đầu vào và yêu cầu đầu ra của các cơ sở giáo dục, và đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Chức năng của ngành giáo dục không chỉ là nâng cao dân trí mà còn phải nâng cao năng lực, ý thức công dân của mỗi học sinh trong thời kỳ xây dựng CNH-HĐH đất nước. Ngành Giáo dục-Đào tạo phải bám sát yêu cầu của xã hội để kịp thời đổi mới trong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Mỗi thầy giáo tự mình phải tích cực đổi mới trong dạy học; đồng thời, giáo dục cho học sinh phải có đạo đức lối sống đẹp...
Với những thành tích đã đạt được trong năm học 2008-2009, dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen cho 8 đơn vị và Bộ Giáo dục-Đào tạo tặng Cờ thi đua và Bằng khen cho 334 đơn vị, tập thể, cá nhân đã đạt thành tích xuất sắc trong công tác năm học vừa qua.
Ngọc Đoan