.

Những cái thiếu ở trường học

.

Những năm qua, ngành Giáo dục-Đào tạo đã được thành phố đầu tư toàn diện, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến đội ngũ giáo viên… Tuy nhiên, nhìn nhận từ những góc độ khác nhau, vẫn còn đó những bất cập trong các trường học hiện nay.

Những ngôi trường chật hẹp

Những năm qua, cơ sở vật chất, chất lượng dạy học của Trường tiểu học Phù Đổng khá tốt, song do thiếu diện tích nên đến nay trường vẫn chưa đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Mặc dù đã đạt chuẩn các tiêu chí về đội ngũ giáo viên, chất lượng dạy học, công tác phổ cập giáo dục… nhưng do thiếu diện tích khuôn viên nên nhiều trường học trên địa bàn quận Hải Châu không được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Những năm qua, tình trạng quá tải học sinh ở Trường tiểu học Phù Đổng liên tục diễn ra. Quy mô dạy học của nhà trường là 30 lớp, nhưng hằng năm, số học sinh theo học tại trường luôn ở mức 53-54 lớp. Năm học 2008-2009 vừa qua, nhà trường có 2.119 học sinh theo học, trong khi đó, diện tích hiện có của trường là 6.000m2, tương đương khoảng 3,5m2/học sinh. Ông Nguyễn Hữu Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng cho biết, so với quy định trường chuẩn quốc gia (6m2/học sinh), diện tích của nhà trường còn thiếu khoảng 6.000m2 nữa.

Ở Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, năm học 2008-2009 có 1.023 học sinh theo học, nhưng diện tích khuôn viên của trường cũng chỉ đạt ở mức 3m2/học sinh. Bà Tôn Nữ Bích Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, căn cứ trên các tiêu chí quy định trường chuẩn quốc gia về đội ngũ giáo viên, chất lượng dạy học, phòng thư viện… nhà trường đã đạt chuẩn, nhưng do diện tích của trường còn thiếu nên trường không thể đạt chuẩn quốc gia.

Tại Trường tiểu học Phan Thanh, tình trạng quá tải học sinh cũng diễn ra qua từng năm học. Cụ thể năm học 2008-2009, nhà trường bị quá tải hơn 100 học sinh. Trường không đủ diện tích để dành cho các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt vui chơi.

Ông Lê Văn Lạc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để xây dựng trường chuẩn quốc gia, vừa qua, Ban giám hiệu nhà trường đã đề nghị và được các cơ quan chức năng thành phố đồng ý giao trụ sở làm việc của Ban Quản lý dự án Quốc lộ 1A-Liên Chiểu-Thuận Phước (khoảng 700m2 đất) cho nhà trường sử dụng và lập kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, đến nay, việc chuyển giao trụ sở Ban Quản lý dự án Quốc lộ 1A-Liên Chiểu-Thuận Phước về cho nhà trường vẫn chưa thực hiện xong. 

Theo số liệu thống kê của Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Hải Châu, đến nay toàn quận có 6/15 trường mầm non, 5/18 trường tiểu học và 3/9 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. Đa số những trường còn lại trên địa bàn chưa thể đạt chuẩn quốc gia vì thiếu diện tích đất.

Ông Nguyễn Đăng Ngưng, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Hải Châu khẳng định, nếu xét các tiêu chí công nhận trường chuẩn quốc gia thì đa số các trường đều đã đạt, nhưng chỉ ngặt nỗi diện tích đất của các trường hiện nay không đủ theo quy định.
 
Để công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn thuận lợi, các cấp, các ngành chức năng thành phố cần đầu tư kinh phí mở rộng diện tích đất cho các trường hoặc đầu tư xây dựng các trường theo mô hình 3 tầng và bỏ trống tầng trệt để làm sân chơi cho học sinh. Có vậy, mới bảo đảm diện tích/học sinh theo quy định.

Thiếu cây xanh

Khuôn viên Trường THCS Ngô Thì Nhậm hiện chỉ có vài cây xanh thấp lè tè, thiếu bóng mát trầm trọng.

 

Trường THCS Ngô Thì Nhậm (Liên Chiểu) được đầu tư xây dựng mới và đưa vào sử dụng tháng 9-2008. Mặc dù công trình được xây dựng khá khang trang, song không có cây xanh được trồng trong khuôn viên nhà trường. Ông Mai Đình Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Thì Nhậm cho biết, sau khi tiếp nhận công trình, thấy không có cây xanh, Ban giám hiệu nhà trường đã đầu tư kinh phí đi mua cây xanh về trồng. Vì kinh phí eo hẹp, nên nhà trường cũng chỉ trồng được một số ít cây.

Từ năm học 2007-2008 đến nay, hơn 900 học sinh của Trường THPT Thanh Khê phải chịu cảnh học tập trong môi trường nóng nực do thiếu cây xanh. Ông Nguyễn Xuân Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để tránh mặt trời dọi vào lớp học, Ban giám hiệu nhà trường đã mua giấy đề-can về dán trên các ô cửa sổ. 

Các trường học đã được đầu tư xây dựng mới nằm trên địa bàn quận Sơn Trà như Trường tiểu học Nguyễn Văn Thoại, Trường tiểu học Tiểu La (cơ sở mới), số cây xanh được trồng chủ yếu là loại cây còn nhỏ, chưa đủ khả năng tạo bóng mát trong khuôn viên nhà trường. Vì thế, trong nhiều năm nữa, ở các trường này tình trạng thiếu bóng mát, nắng nóng ảnh hưởng đến học tập và các hoạt động tại trường chắc chắn còn tiếp tục xảy ra.

Nói về cây xanh trong trường học, ông Vũ Bá Bảo, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Sơn Trà nhận xét, đa số các công trình trường học được đầu tư xây dựng mới trên địa bàn hiện đang thiếu bóng mát do cây xanh được trồng ở đây còn quá nhỏ. Phải mất từ 5-10 năm, các cây xanh này mới tạo ra bóng mát trong sân. Nếu như trong các dự án xây dựng, các cơ quan chức năng thành phố đầu tư trồng các loại cây lớn, thì một hai năm sau sân trường sẽ có bóng mát.

Tình trạng thiếu bóng mát trong sân trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học của nhà trường. Tuy nhiên, Phòng Giáo dục-Đào tạo có muốn đầu tư trồng các loại cây lớn để tạo bóng mát ngay cho các trường cũng không thể thực hiện được, do không có kinh phí.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Văn Hân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết, trong dự án đầu tư xây dựng các công trình trường học, không có hạng mục đầu tư cây xanh, nên mới xảy ra thực trạng thiếu bóng mát ở các sân trường như hiện nay.
 
Để giải quyết tình trạng này, trong các dự án xây dựng trường học, UBND thành phố và UBND quận, huyện cần bổ sung kinh phí đầu tư cây xanh, để tạo bóng mát cho các trường. Ngoài ra, đối với những trường học đã được đầu tư xây dựng mới nhưng thiếu cây xanh, Ban giám hiệu các trường cần linh động kêu gọi các nguồn lực bên ngoài đóng góp cây xanh để tạo bóng mát cho trường học.

Đưa môn bơi vào trường học

Các em học kỹ năng cứu đuối.

Ở các nước tiên tiến, việc dạy bơi đã được áp dụng trong các trường học từ rất lâu và được xem như bộ môn không chỉ rèn kỹ năng tự cứu sống mình trong những tình huống nguy hiểm mà còn tham gia hỗ trợ người khác khi gặp tai nạn dưới nước. Nước ta, giáo dục rất được chú trọng, xây dựng nhiều trường mới, sân trường khang trang rộng rãi, thiết bị dạy học được mua sắm bổ sung hằng năm, vậy mà việc xây dựng hồ bơi để dạy bơi cho học sinh vẫn chưa được chú ý đầu tư.
 
Rất nhiều phụ huynh đã đưa ra những thắc mắc như thế, vì thực tế tai nạn do đuối nước không những không giảm mà còn gia tăng trong thời gian gần đây. Thiết nghĩ ngành Giáo dục-Đào tạo cần đưa bộ môn dạy bơi cho học sinh ở lứa tuổi thiếu niên, nhất là bậc tiểu học vào chương trình rèn luyện thể chất; bởi vì phụ huynh nào cũng muốn con em mình biết bơi và bản thân học sinh nào cũng ước muốn điều đó.       

Thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có đến 3 nghìn trường hợp tai nạn do nước, chủ yếu rơi vào trẻ nhỏ. Tại Đà Nẵng, trong năm 2006, có 55% trường hợp trẻ em dưới 18 tuổi tử vong là do đuối nước gây ra và gần 90% trẻ em trên 3 tuổi tử vong do đuối nước vì không biết bơi… Chính vì vậy, việc dạy bơi cho học sinh sớm chừng nào thì những tai nạn đáng tiếc cho gia đình và cho bản thân những đứa trẻ càng ít chừng đó.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN - VIỆT DŨNG

;
.
.
.
.
.