.

Thương quá phụ huynh!

.

(ĐNĐT) - Thời tiết Đà Nẵng “mở hàng” cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2009 bằng một buổi sáng khá mát mẻ và dễ chịu. Nhưng không vì thế mà phụ huynh của các em thí sinh (TS) bớt đi hồi hộp, lo âu. Bởi với họ, từ lúc nhìn con bước vào cánh cổng trường thi, là đã có một ngọn lửa như thiêu như đốt trong lòng, với muôn nghìn tâm trạng...

Chờ con thi cực gấp mấy lần chờ... xe buýt

Các phụ huynh ngồi ở nhà chờ xe buýt đợi con thi.

Trước cổng trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, trên dãy ghế chờ xe buýt, anh Nguyễn Việt Chiến cùng nhiều ông bố khác đang vừa đợi con thi, vừa nói chuyện rôm rả. Tuy nhiên, không giấu được lo âu trong lòng, anh Chiến tâm sự: “Mình làm việc ở Khu công nghiệp Hòa Khánh, ngày nào cũng mất mấy lượt ngồi trên mấy chiếc ghế này, chờ đợi như thế này, có khi còn ngồi một mình giữa trời nắng chói chang, nhưng chưa khi nào thấy nóng ruột như bây giờ”.

“Nhà mình có 3 đứa con, 2 đứa con lớn đều tốt nghiệp cấp 3 rồi đi làm công nhân ở Sài Gòn, có đứa con gái út học khá nhất nên cố gắng cho em thi đại học để bằng bạn, bằng bè”, anh Chiến tiếp lời. Vợ anh làm nghề buôn bán nên không thể bỏ buổi chợ, gần 50 tuổi, lần đầu anh mới cảm nhận trọn vẹn tâm trạng của một người cha đưa con đi thi. Anh nói thật thà: “Con mình mà đậu đại học, mình hứa sẽ chẳng bao giờ phàn nàn khi đợi xe buýt”.

Đầu tư cho quý tử

“Vợ tôi đẻ liền một mạch 6 đứa con gái, được thằng này là con trai, cực mấy cũng phải cho nó học tiếp, nó là cháu đích tôn dòng họ 3 đời nhà tôi đấy”, bác Lê Đình Hoàng (quê Thanh Hóa) tự hào kể về cậu con trai đang ngồi trong phòng thi với các phụ huynh khác, trong một quán nước vỉa hè trước trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng. Qua câu chuyện trên bàn nước, có thể thấy các ông bố, bà mẹ, mỗi người một phương ngữ khác nhau, nhưng lại giống nhau về hoàn cảnh.

"Cực cũng chẳng sao, chỉ mong con đậu".

Bác Hoàng và 2 phụ nữ ngồi bên tên Thoa và Xuân đều đến từ những vùng quê nghèo ở Bắc Trung Bộ, nhà đông con, họ chỉ đủ sức dành dụm để cho một hoặc hai đứa đi thi đại học. Đối với họ, kinh phí cho chuyến đi thi này là cả một mùa buôn bán vất vả, hy vọng luôn đan xen với lo lắng, bởi: “Không biết nếu con tôi đậu rồi có đủ tiền cho nó học tiếp không”, “Thôi mình ráng cực cho con nó sướng chị à”, 2 bà mẹ trải lòng với nhau.

Tiếp thị vào cuộc...

Chưa đầy 15 phút ngồi trước điểm thi Trường THPT Thái Phiên, chúng tôi đã nhận đến 5 tờ rơi quảng cáo của các thanh niên tiếp thị. Đánh vào tâm trạng ngổn ngang của phụ huynh, các trường Cao đẳng nghề, TCCN trên địa bàn thành phố đã cho tiếp thị đến tận các cổng trường thi, phát tờ rơi và tận tình hướng dẫn cho các ông bố, bà mẹ những “lối đi” khác cho TS nếu con họ không may trượt đại học, với dòng tin khá hấp dẫn: “Chúng tôi có những ngành học chỉ xét tuyển mà không cần thi tuyển, kinh phí học thấp, chất lượng cao”.

Đang trong trạng thái vừa lo lắng, vừa hy vọng, nhiều phụ huynh không mặn mà lắm với các thông tin này. Bác Hà Vinh (quê Quảng Trị) thao thao với những người ngồi cạnh: “Không đậu năm đầu thì tôi cho nó thi năm hai, năm ba, phải cầm tấm bằng đại học ra trường thì họ mới nể, mới có việc làm đàng hoàng chứ”.

Tuy nhiên, khi một thanh niên tiếp thị khác đến, với thông tin “các TS đậu vào trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng với số điểm cao sẽ được xét tuyển vào các chương trình đào tạo tiên tiến theo giáo trình quốc tế”, lại được các phụ huynh khá quan tâm. Dù nhiều ông bố bà mẹ vẫn chưa hiểu nhiều về các chương trình này, song mỗi người đều hăm hở xin một tờ quảng cáo và cất vào túi. Thế mới biết, phụ huynh nào cũng đặt thật nhiều hy vọng ở con mình.

Ngô Đồng

;
.
.
.
.
.