.
TRƯỜNG TRUNG CẤP KỸ THUẬT - NGHIỆP VỤ THĂNG LONG

Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy học

.

Trường Trung cấp Kỹ thuật-Nghiệp vụ Thăng Long được thành lập năm 2002. Qua thời gian không ngừng phấn đấu vươn lên, đến nay, quy mô đào tạo của nhà trường đã mở rộng, các điều kiện cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại, đáp ứng tốt các yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay.

Xây ký túc xá cho học sinh

Cơ sở 2 của Trường Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Thăng Long được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.

Trụ sở chính của nhà trường thành lập năm 2002 nằm ở đường Phan Châu Trinh, chỉ đủ sức chứa 1.000 học sinh hằng năm. Những năm đầu thành lập trường, điều kiện cơ sở vật chất chật chội, không gian hẹp, không có chỗ cho học sinh vui chơi, học thể dục…
 
Để phát triển, mở rộng cơ sở vật chất, năm 2007, Ban giám hiệu Trường Trung cấp Kỹ thuật-Nghiệp vụ Thăng Long đã đầu tư xây dựng cơ sở 2 tại khu dân cư Thanh Lộc Đán (quận Thanh Khê), với tổng số tiền 15 tỷ đồng. Cơ sở 2 có 14 phòng học lý thuyết, 2 phòng thực hành máy tính và 5 phòng thực hành dành cho các chuyên ngành đào tạo. Trong sân trường trang bị đầy đủ sân tập thể dục, bóng bàn, cầu lông… cho học sinh vui chơi, giải trí.

Không dừng lại ở đó, trong năm 2009, nhà trường đã đầu tư 8 tỷ đồng xây dựng ký túc xá 200 giường ngay tại khuôn viên cơ sở 2 để phục vụ học sinh với mức thu phí ưu đãi. Tính đến thời điểm hiện nay, Trường Trung cấp Kỹ thuật-Nghiệp vụ Thăng Long là ngôi trường ngoài công lập thứ 2 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đầu tư xây dựng ký túc xá cho học sinh. Vào thời điểm học sinh, sinh viên các trường ngoài công lập đang “sốt” chỗ ở, thì việc đầu tư xây dựng ký túc xá cho học sinh trọ học như trên là một nỗ lực rất lớn của nhà trường.

Ngoài ra, nhà trường cũng đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy học hiện đại trang bị ở các phòng học lý thuyết, thực hành… để nâng cao hiệu quả dạy học. Các phòng học được trang bị hệ thống Internet nối mạng ADSL, máy Projector… giúp học sinh tiếp cận được bài học sinh động, đồng thời truy cập mạng để tìm hiểu thông tin, nâng cao hiểu biết chuyên môn.

Phát huy tính dân chủ trong trường học

Cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư theo hướng mở rộng và hiện đại, kéo theo đó quy mô đào tạo của nhà trường hằng năm cũng tăng lên. Nếu ở những năm đầu thành lập trường, chỉ tiêu đào tạo ở 3 chuyên ngành Du lịch, Tin học, Kế toán là 400 học sinh, thì đến nay, nhà trường đã được phép tuyển sinh 1.700 chỉ tiêu đào tạo ở 3 chuyên ngành nói trên. 

Để nâng cao chất lượng dạy và học, bên cạnh việc chú trọng dạy học theo hướng nâng cao năng lực thực hành của học sinh, hằng năm, nhà trường tổ chức cho học sinh đánh giá chất lượng dạy học của giáo viên theo quy định của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Qua đó, dựa trên kết quả góp ý của học sinh, Ban giám hiệu nhà trường có biện pháp điều chỉnh, uốn nắn kịp thời đối với giáo viên đứng lớp. Đây chính là cách làm phát huy tối đa tính dân chủ trong trường học mà ít trường ngoài công lập nào mạnh dạn triển khai thực hiện.

Nhằm giúp học sinh vững kỹ năng thực hành, có điều kiện cọ xát thực tế, nhà trường đã thành lập Trung tâm tư vấn, hướng nghiệp, xây dựng các mối quan hệ mật thiết với doanh nghiệp và giới thiệu học sinh đến tham quan, học tập kinh nghiệm từ thực tế. Sau mỗi đợt học sinh tham quan, thực tập, nhà trường tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác đào tạo, cải tiến chương trình, đáp ứng theo yêu cầu thực tiễn xã hội. Còn với những học sinh đạt kết quả học tập khá, giỏi, kết thúc mỗi học kỳ, Ban giám hiệu nhà trường phát học bổng để động viên các em nỗ lực vươn lên trong học tập.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Công Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, trong thời gian đến, nhà trường sẽ tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, tăng cường khả năng thực hành cho học sinh; qua đó, giúp học sinh “vững vàng” bước vào cuộc sống.

Bài và ảnh: HÒA KHÁNH

;
.
.
.
.
.