.

Cái nghèo níu bước chân em…

.

Năm học 2009-2010, Trường THPT Phạm Phú Thứ, xã Hòa Sơn (Hòa Vang) có 547 học sinh trúng tuyển vào lớp 10. Thế nhưng, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, có 35 học sinh ở địa bàn các xã Hòa Bắc, Hòa Nhơn, Hòa Sơn… không đến trường làm thủ tục nhập học. Sau nhiều lần giáo viên của trường kiên trì đến nhà vận động, đến nay mới chỉ có 13 học sinh trên địa bàn xã Hòa Sơn chịu ra lớp.
     
Tiền đâu mà học

Hoàn cảnh gia đình em Nguyễn Thông rất khó khăn. TRONG ẢNH: Ngôi nhà tình nghĩa xây 10 triệu đồng, do Ủy ban DSGĐ&TE huyện Hòa Vang tặng gia đình em Thông năm 2006.

Ngày 24-8, chúng tôi về Trường THPT Phạm Phú Thứ để tìm hiểu nguyên nhân các em không chịu ra lớp, thì được biết đa số các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Trong lúc dẫn chúng tôi đến nhà học sinh, ông Thái Văn Mười, cán bộ quản sinh của nhà trường nói: Các em học sinh ở đây hầu hết đều rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Gia đình em Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Xuân Phú (Hòa Sơn), có đến 7 anh chị em, nhà làm nông. Bố Hoa mất năm 1998 nên mọi sự lo toan cả gia đình đều trên đôi vai mẹ em - bà Nguyễn Thị Sáng. Đến ngày Hoa và em trai chuẩn bị bước vào năm học mới, bà Sáng chạy đôn chạy đáo mượn người thân được 5 phân vàng đem bán 1 triệu đồng mua sắm sách vở, áo quần cho hai con. Nhưng khổ nỗi, đến ngày nhập học, do không đủ số tiền 460.000 đồng nộp cho nhà trường nên Hoa không chịu ra lớp.

Hoàn cảnh gia đình em Nguyễn Thông (không có cha), thôn Đại La cũng bi đát không kém. Mẹ em - bà Nguyễn Thị Chốn làm nghề bán chổi, mỗi ngày thu nhập chưa đến 20.000 đồng. Mấy năm nay, bà ốm đau liên miên nên việc đi chặt đót rừng về làm chổi cũng thất thường. Đến ngày con trai nhập học, bà cũng chỉ biết gạt nước mắt mà nói với con rằng: Mẹ không muốn con thất học, nhưng do gia đình quá khó khăn... Biết được hoàn cảnh gia đình em Thông, sáng ngày 24-8, UBND xã Hòa Sơn đã hỗ trợ  1 triệu đồng để em mua sách vở, áo quần… đến trường. 

Khi được hỏi gia đình có bảo đảm duy trì việc học của em Thông cho đến hết THPT được hay không, bà Chốn ngậm ngùi nói: Nó học được ngày nào hay ngày đó, chứ tôi không biết trước được, vì hiện nay hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn. Tôi chỉ còn biết trông chờ vào nhà trường, chính quyền địa phương tạo điều kiện, giúp đỡ để nó không bỏ học nửa chừng.

Tiếp tục vận động các em ra lớp

Trước thực trạng 35 học sinh không chịu ra lớp trong mùa tuyển sinh năm học 2009-2010, Ban giám hiệu Trường THPT Phạm Phú Thứ đã cử cán bộ, giáo viên đến từng nhà để nắm hoàn cảnh cụ thể của từng em và vận động các em ra lớp. Kết quả, đến nay chỉ mới có 13 em ở địa bàn xã Hòa Sơn ra lớp. Và để tạo điều kiện cho các em, nhà trường không yêu cầu các em đóng ngay các khoản tiền đầu năm học.

Ông Thái Văn Mười cho biết, với 22 học sinh ở các xã lân cận chưa chịu ra lớp, nhà trường đã nhiều lần cử giáo viên đến phối hợp với UBND các xã để vận động các em nhập học, song đến nay vẫn chưa có kết quả.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Hảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ cho biết, quan điểm của nhà trường là tiếp tục vận động các em học sinh ra lớp. Còn với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, Ban giám hiệu nhà trường sẽ đề nghị miễn, giảm học phí, tạo điều kiện  cho các em đến lớp.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình trên, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang nói: UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã vận động các gia đình tạo điều kiện thuận lợi cho con em nhập học. Với những trường hợp khó khăn, UBND huyện sẽ có kế hoạch hỗ trợ cụ thể, để không có em nào bỏ học vì nghèo.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.