.

Chông chênh đường đến giảng đường

.

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, cậu học trò nghèo Phan Minh Tiến, học sinh Trường THPT Phạm Phú Thứ đã đỗ vào ngành Hội họa của Trường ĐH Nghệ thuật Huế, với tổng điểm 3 môn thi đã nhân hệ số là 37,5 điểm. Chỉ còn hơn 10 ngày nữa, cậu học trò ở xã miền núi Hòa Sơn này sẽ nhập học, nhưng tài sản trong căn nhà xây tường vôi 60 m2 cũ kỹ do ông nội Tiến qua đời để lại như chẳng có gì...

Vượt lên hoàn cảnh

Chiếc bàn học của Tiến trong suốt 12 năm qua là tấm ván gỗ kê tạm vào bậc tam cấp dưới tủ bàn thờ tổ tiên.

Sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em, Tiến là con trai kế út. Năm 1995, bố mất khi em vừa tròn 4 tuổi. Nhà nghèo, nên suốt 12 năm học phổ thông Tiến chưa hề biết đến một buổi học thêm. Hằng ngày, Tiến lặng lẽ đi bộ đến trường, hoặc đi nhờ xe đạp với bạn bè. Mặc dù hoàn cảnh gia đình nghèo khó, nhưng chưa lúc nào Tiến nản chí, có ý định bỏ học. Ngoài giờ học ở trường, em phụ giúp công việc gia đình, theo mẹ vác cuốc ra ruộng xớt bờ, cuốc góc… Đến mùa thu hoạch, người ta thuê gặt lúa, em cũng nhận đi làm để kiếm tiền mua sách vở, áo quần.

Trước kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, bạn bè hồ hởi làm hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ĐH trên cả nước. Còn Tiến thì cứ ngần ngừ, suy nghĩ mãi. Ước mơ của em là thi vào Trường ĐH Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, nhưng sau nhiều đêm trằn trọc, Tiến quyết định thi vào ngành Hội họa Trường ĐH Nghệ thuật Huế. Tiến giải thích: Học ở Huế gần nhà, lỡ đói còn chạy đi chạy về nhà mang gạo ra mà nấu...

Trong khi bạn bè trong lớp đổ xô đi ôn thi ĐH khắp nơi, Tiến lại lặng lẽ mượn sách vở, tài liệu của các anh chị trong xóm ở nhà tự ôn thi. Đến ngày Tiến ra Huế để thi, bà Nguyễn Thị Bì, mẹ của Tiến chạy đôn chạy đáo vay mượn khắp xóm được hơn 400.000 đồng để con làm lộ phí. Thi xong, thấy kết quả làm bài của mình sẽ đạt, vậy là Tiến quyết định khăn gói vào Khánh Hòa đi vẽ tranh thuê cho người quen, kiếm chút ít tiền để về nhập học.

Không bỏ cuộc giữa chừng

Nguyễn Thị Kim Xuyến, cán bộ Hội Phụ nữ xã Hòa Sơn cho biết, gia đình bà Nguyễn Thị Bì thuộc diện hộ nghèo của xã, hoàn cảnh rất khó khăn. Trước đây, Hội Phụ nữ xã cũng nhiều lần quan tâm, tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Song, sự giúp đỡ này cũng giới hạn, vì trong xã còn có nhiều hoàn cảnh nghèo khổ khác.

Những ngày này, trong căn nhà của Tiến lúc nào cũng có bạn bè, bà con chòm xóm đến hỏi han, chúc mừng, khi hay tin Tiến đỗ vào đại học. Thông thường, khi con cái đỗ đạt, người ta thường làm tiệc ăn mừng đãi đằng họ hàng, bà con lối xóm. Nhưng với bà Bì, phần thường mà bà dành cho cậu con trai yêu quý của mình không có gì khác ngoài nụ hôn và những giọt nước mắt vui mừng.

Hôm chúng tôi đến nhà, cũng là lúc Tiến đi làm thuê ở Khánh Hòa vừa trở về nhà chuẩn bị hành trang để ra Huế nhập học. Nhìn con chuẩn bị bước vào môi trường cuộc sống mới, gương mặt bà Bì lại chạnh buồn.

Cũng những ngày này cách đây 6 năm trước, anh Phan Minh Chấn, anh trai của Tiến cũng đã trúng tuyển vào Trường ĐH Nghệ thuật Huế, bà Bì đã chạy vạy khắp làng trên, xóm dưới vay mượn để nuôi anh ăn học suốt 5 năm trời. Tốt nghiệp từ năm 2008, đến nay anh Chấn vẫn chưa có việc làm ổn định, số tiền vay ngân hàng và hàng xóm 14 triệu đồng đến nay bà Bì vẫn chưa trả nổi. Nay phải tiếp tục lo một khoản tiền đến vài triệu đồng để Tiến nhập học, quả thật là quá sức với bà. Mấy đêm nay, bà trằn trọc không ngủ được, cứ mỗi lần nghĩ đến chuyện học của con là ruột đau như cắt.

Thấu hiểu được nỗi lo của mẹ, nhưng với quyết tâm không bỏ cuộc giữa chừng, Tiến an ủi: Mẹ cố gắng vay mượn nộp học phí cho con kỳ đầu tiên và mua chiếc xe đạp cũ để mai này con đi làm thêm kiếm tiền nộp học, con sẽ tự trang trải cuộc sống cho mình được.

Nghe vậy, trên gương mặt bà Bì, những giọt nước mắt cứ chảy dài trên đôi gò má khô gầy…

Ngọc Đoan

;
.
.
.
.
.