Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 80 ngàn sinh viên (SV) đang theo học ở 30 trường đại học, cao đẳng (chưa kể các trường trung cấp), phần lớn là SV ở các tỉnh xa, trải đều 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trước ngày tựu trường (17-8), các trường và ngành Y tế đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 rất khẩn trương và quyết liệt.
Vấn đề chỉ còn là thời gian
Ngoài các bệnh viện, các trường học cũng cần tận dụng ngay một dãy phòng riêng biệt để sẵn sàng tiếp nhận, cách ly bệnh nhân nghi nhiễm cúm A/H1N1. TRONG ẢNH: 10 phòng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 trong khuôn viên Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu. |
Trước đó, ngày 31-7, Đại học Đà Nẵng đã có quyết định thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống dịch cúm A/H1N1 với 16 người do ông Lê Thế Giới – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng làm trưởng ban; và gửi công văn đến các trường thành viên, khoa, đơn vị trực thuộc về việc thành lập, kiện toàn BCĐ công tác y tế trường học, xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch cúm A/H1N1 theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phòng chống cúm của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
Bác sĩ Trần Thị Ước – Phụ trách Y tế Đại học Đà Nẵng đề nghị: “BCĐ và phòng Y tế các trường tăng cường mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền qua các kênh như: băng-rôn, phát thanh, dán bảng thông báo, phát tờ rơi… giúp cho SV hiểu được cách phòng tránh; nhận biết các triệu chứng của cúm để tự giác cách ly, báo với nhà trường hoặc đi bệnh viện khi nghi bị cúm.
Khi SV có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, ho, có sốt thì cần nhanh chóng tiếp cận, cách ly theo dõi điều trị ngay tại nhà; nếu bệnh nhân có dấu hiệu khó thở thì ngay lập tức đưa đi bệnh viện để tiến hành sàng lọc, xét nghiệm… Kết hợp với công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết đang bùng phát, các trường cần có kế hoạch phun thuốc, dọn dẹp vệ sinh các phòng ban, giảng đường, KTX”.
Một cán bộ lãnh đạo của Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng chia sẻ lo lắng: “Có không ít SV của trường hiện đang giao lưu văn hóa tại Thái Lan và đang đi Mỹ, Úc, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…”. Còn ông Nguyễn Thế Tranh – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ thì: “Hiện trường có hơn 4.000 SV, KTX của trường có 700 SV, trong khi lại có ít thông tin cách để phòng tránh cúm, mà khẩu trang chống cúm thì quá đắt (50.000 đồng/chiếc) SV khó lòng mua được.
Khi dịch cúm xuất hiện ở KTX, hay ở các xóm trọ thực sự là rất bị động và sẽ lây lan nhanh, còn kế hoạch dạy và học thì chắc chắn bị đảo lộn. Ít ngày tới, khi SV đến trường, bằng mọi cách, công tác tuyên truyền sẽ phải được triển khai mạnh mẽ và tiếp cận ngay đến từng SV”… Ông Lê Thế Giới kết luận: “Các trường, khoa và đơn vị trực thuộc cần xây dựng ngay kế hoạch và nội dung hành động; triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền; tổ chức dọn dẹp vệ sinh phòng học, KTX và phun thuốc diệt muỗi; xử lý tốt đối với các trường hợp nghi nhiễm ban đầu, điều tra về nơi trọ của SV bị nghi nhiễm cúm để vệ sinh phòng dịch và cách ly các SV khác…
Tùy theo điều kiện mỗi trường, tận dụng ngay một dãy phòng riêng biệt để làm khu vực cách ly đối với những bệnh nhân chưa được tiếp nhận vào bệnh viện. Nhưng quan trọng là phải nâng cao ý thức tự giác phòng chống của SV, khi phát hiện thấy một SV có các triệu chứng nghi bị cúm là phải báo cho nhà trường hoặc Phòng Y tế để cách ly, theo dõi điều trị ngay…”.
Nỗ lực phòng chống dịch
Theo Bác sĩ Phạm Phú Điềm – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, hiện trên toàn quận có khoảng 30 ngàn SV đang học tập tại 2 trường đại học, 3 trường cao đẳng, hơn 10 ngàn HSSV các trường trung cấp, THPT, THCS, tiểu học, mầm non và khoảng 20 ngàn công nhân đang lao động tại các khu công nghiệp.
Trong ít ngày tới, khi một lượng lớn khoảng 20 ngàn SV về tựu trường, thì mầm mống virus cúm A/H1N1 sẽ mang theo về là rất lớn và đặc biệt dịch sẽ có điều kiện lây lan nhanh khi HSSV học tập, sinh hoạt cùng nhau. Hiện Trung tâm Y tế quận đã lên các phương án đối phó để tham mưu cho UBND quận tiến hành làm việc với các trường và nhà máy, xí nghiệp trong ít ngày tới.
Còn từ đầu mùa dịch đến nay, Trung tâm Y tế phối hợp với Đội Y tế dự phòng tổ chức tuyên truyền về cúm A/H1N1 bằng các hình thức như: phát tờ rơi, phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh của các phường, xe tuyên truyền lưu động… “Trong thời gian qua, một số bệnh nhân đã đến, nhìn bảng hướng dẫn trước cửa Trung tâm Y tế và tự động vào gặp bác sĩ để sơ khám, sàng lọc và được chuyển lên tuyến trên 2 ca nghi cúm.
Chúng tôi cũng đã chuẩn bị một dãy nhà riêng biệt trong khuôn viên của trung tâm, với 10 phòng sẵn sàng tiếp nhận, sàng lọc bệnh nhân ngay và tiến hành điều trị tại chỗ khi dịch đã bùng phát với đầy đủ các chức năng như: điều trị, phục vụ sinh hoạt, ăn uống… cho bệnh nhân trong điều kiện cách ly nghiêm ngặt.
Ban giám đốc trung tâm cũng đã thành lập 5 tổ tiếp nhận với thành phần đầy đủ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm, hộ lý; trong đó có 1 tổ cơ động, khi nhận được tin báo có cúm A/H1N1 ở trong khu dân cư thì tổ này lập tức lên đường xử lý nhanh và đề xuất các giải pháp xử lý tiếp theo. Trong tuần này, chúng tôi sẽ hoàn thành việc kiểm tra công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 tại các Trạm Y tế phường và hoàn thành nhiều công việc khác trước ngày 15-8” - Bác sĩ Phạm Phú Điềm cho hay.
Hoàng Hiệp