.

Du học giai đoạn “nước rút”

.

Ở thời điểm này, du học nước ngoài đã vào giai đoạn nước rút, khi nhiều trường đại học (ĐH) ở châu Âu, Mỹ sửa soạn cho kỳ nhập học mới vào tháng 9 tới. Các ngân hàng cũng đưa ra nhiều chính sách cho vay hỗ trợ du học.

Du học Mỹ, Úc hút “hàng”

Nước Úc được nhiều học sinh lựa chọn do họ có nhiều thân nhân tại đây và chất lượng giáo dục tốt. TRONG ẢNH: Du học sinh Việt Nam tại một gia đình người Úc.

Ghi nhận của chúng tôi tại nhiều Trung tâm Tư vấn du học cho thấy, Mỹ và Úc là hai nước được học sinh lựa chọn nhiều nhất. Chị Lê Thị Tuyết Vân, nhân viên tư vấn du học Trung tâm Anh ngữ Apollo cho hay: “Các trường học ở Mỹ và một số nước châu Âu thường có 4 kỳ nhập học vào các tháng 1 - 4 - 6 - 9. Do đó, như mọi năm, năm nay, sau kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ và gần vào năm học mới, lượng học sinh đến yêu cầu tư vấn nhiều hơn, thường mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khoảng 20 trường hợp”.

Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng bộ phận truyền thông du học, thuộc Trường CĐ Bách khoa, ông Trương Văn Bảo nhận xét: “Các bậc phụ huynh thường nghĩ bằng cấp ở Mỹ có giá trị hơn các nước khác và cơ hội việc làm lớn hơn. Dù chi phí đến nước này rất cao, từ 17.000-60.000 USD/năm, họ vẫn cố gắng đưa con đi bằng được”.
 
Tuy nhiên, theo chị Vân, khi hiện nay, phỏng vấn du học Mỹ tương đối khó do nước này hạn chế nhập cư trong tình hình kinh tế khó khăn và ảnh hưởng dịch cúm A/H1N1, học sinh chuyển hướng sang đi Canada hoặc Singapore với tỷ lệ đậu visa cao, thường từ 70-100%.

Chị Nguyễn Thị Thắng, Trưởng phòng Tín dụng Ngân hàng Eximbank cho biết, khách hàng vay du học thường chọn nước Úc, vì họ có nhiều người thân ở nước này, bên cạnh đó, chi phí học tập, ăn ở cũng không quá cao như Mỹ và vài nước châu Âu khác. Vào lúc cao điểm như bây giờ, mỗi tháng ngân hàng này nhận gần 15 bộ hồ sơ đề nghị vay cho mục đích du học; trong khi đó, con số này ở Ngân hàng ACB vào khoảng 30 bộ.

Thời gian giải quyết hồ sơ vay du học từ 1-3 ngày

Lời khuyên của các chuyên gia tư vấn du học đối với học sinh sắp đi  du học:

- Anh văn phải được ưu tiên hàng đầu, để khi ra nước ngoài, học sinh đỡ mất thời gian học tiếng và có thể hòa nhập nhanh với bạn bè quốc tế.

- Tìm hiểu trước về phong tục, tập quán của nước đó, về trường học, chuyên ngành của mình để tránh bỡ ngỡ.

- Học cách nấu ăn để đỡ phải ăn mì gói hoặc ăn đồ nấu sẵn, vì như thế sẽ rất tốn kém và không hợp khẩu vị.

- Đề nghị trường mình sắp học cung cấp danh sách của những học sinh Việt Nam đang học tại đó, sau đó làm quen với vài bạn để học hỏi cách ăn ở, ứng xử.

Nhiều ngân hàng đều có hình thức cho vay du học với mức vay tối đa là 100% chi phí của du học sinh, thời hạn vay có thể đến 120 tháng (tương đương 10 năm – PV). “Cho vay du học thường ít  rủi ro hơn các hình thức cho vay khác, nên được đưa vào danh sách ưu tiên”, chị Lê Thị Phong Lan, chuyên viên tư vấn tài chính cá nhân của Ngân hàng ACB giải thích.

Chị nói có thể cho vay một hợp đồng lên đến 2,5 tỷ đồng nếu phụ huynh thế chấp được tài sản tương đương. Để hỗ trợ du học, các ngân hàng đều mở rộng đối tượng cho vay là bà con, thân nhân của du học sinh, nếu họ chứng minh được mối quan hệ thân thích. Theo đánh giá của chị Thắng, năm nay lãi suất cho vay thấp (12,6%/năm), kéo theo lượng khách hàng vay tiền cho con du học nhiều hơn hẳn, tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Sau khi chứng minh được tài sản thế chấp, trong vòng 1-3 ngày, khách hàng đã có thể nhận được vốn vay.

Đối với những du học sinh có khả năng tài chính không cao lắm, chị Vân cho rằng, Singapore là một lựa chọn thích hợp, khi chi phí ở đây chỉ khoảng 7.000-8.000 đôla Sin/năm. Các ngành “hút” nhất, vẫn là công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, tài chính-ngân hàng.

Bài và ảnh: HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.