Trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện có 45 trường học, gồm 3 trường THPT, 11 trường THCS, 31 trường tiểu học và mầm non, thu hút gần 20 ngàn học sinh đến trường mỗi năm. Thế nhưng ngành Giáo dục-Đào tạo Hòa Vang cũng đang gặp phải những khó khăn trước mắt.
Thuê nhà dân làm phòng học
Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang, trên địa bàn huyện hiện có 22 công trình trường học đã và đang triển khai xây dựng để phục vụ năm học 2009 – 2010, với tổng kinh phí hơn 14,4 tỷ đồng, trong đó vốn chương trình mục tiêu hơn 1,7 tỷ đồng, ngân sách thành phố và huyện hơn 10 tỷ đồng, vốn sự nghiệp giáo dục 1,1 tỷ đồng... Phần lớn các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng phần nào nhu cầu dạy và học trong năm học mới.
Tuy nhiên, còn 3 công trình trường học do huyện làm chủ đầu tư vẫn chậm tiến độ, không thể hoàn thành trước thềm năm học mới như khu hiệu bộ Trường THCS Ông Ích Đường, phòng bộ môn Trường THCS Trần Quang Khải, Trường mầm non Hòa Phong. Bên cạnh đó, một số trường như mầm non Hòa Tiến (khu vực La Bông), THCS Nguyễn Văn Linh, tiểu học số 2 Hòa Châu… nằm trong dự án bị giải tỏa cũng sẽ ảnh hưởng đến công tác dạy và học trong năm học mới 2009 - 2010.
Hòa Vang có địa bàn rộng, quy mô mạng lưới trường lớp phức tạp, đa dạng, nhiều điểm lẻ, lớp ghép nên có nhiều khó khăn trong việc tổ chức dạy học. Đặc biệt, ở bậc học mầm non, do tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đông nên nhu cầu phòng học thiếu trầm trọng. Để giải quyết tình trạng này, ngành Giáo dục-Đào tạo huyện Hòa Vang đã linh động chuyển các lớp học về các điểm trường trung tâm hoặc mượn tạm các trường khác để tổ chức dạy học như trường mầm non An Ngãi Đông (Hòa Sơn), mầm non khu vực La Bông (Hòa Tiến).
Thậm chí, có trường còn dự kiến mượn nhà họp thôn hoặc thuê nhà dân để học tạm. Phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang cho biết, Trường mầm non Hòa Phong có 4 lớp, hơn 130 học sinh không có chỗ học. Phòng dự kiến sẽ mượn nhà họp thôn Túy Loan để học một lớp, thuê nhà dân học tạm hai lớp, số học sinh còn lại bố trí vào các lớp đang học tại cụm chính, số lượng có thể đông. Có thể thấy, dù được đầu tư mạnh mẽ để phát triển hệ thống trường lớp, nhưng ngành Giáo dục – Đào tạo huyện Hòa Vang vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu phòng học.
Nhiều học sinh có nguy cơ bỏ học
Theo báo cáo của các ngành chức năng, đến cuối tháng 6-2009 toàn huyện Hòa Vang đã có 117 học sinh bỏ học, trong đó bậc THCS có 68 em và bậc THPT có 49 em. Đồng thời, qua theo dõi và nắm tình hình cụ thể ở cơ sở thì có khoảng 120 học sinh có nguy cơ bỏ học, tập trung chủ yếu ở bậc THCS và một số xã như Hòa Liên, Hòa Tiến, Hòa Sơn.
Để giải quyết tình trạng đó, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện Hòa Vang đã có những nỗ lực tích cực trong việc vận động học sinh trở lại lớp; nhất là sau khi triển khai thực hiện Công văn 949-CV/TU ngày 27-10-2008 của Thành ủy Đà Nẵng “Về việc phối hợp giúp đỡ các gia đình đặc biệt khó khăn và trẻ em bỏ học”, việc vận động học sinh trở lại lớp, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học đã được cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm.
Đối với học sinh bỏ học trong năm học qua, ngành Giáo dục - Đào tạo huyện đã tích cực triển khai các giải pháp vận động học sinh trở lại lớp, tăng cường công tác quản lý của nhà trường nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học. Ngoài ra, các trường đã tổ chức phụ đạo, hỗ trợ vật chất cho 112 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền 42,5 triệu đồng.
Mặt khác, nếu những em nào không có nguyện vọng tiếp tục theo học thì vận động các em tham gia học nghề… Chính vì vậy, sau khi vận động đã có 60 em có nguyện vọng đi học nghề, 8 em còn lại cam kết trở lại lớp vào năm học mới 2009 - 2010.
Năm học mới đang cận kề, ngành Giáo dục-Đào tạo huyện Hòa Vang đang gấp rút hoàn tất các công tác chuẩn bị. Mong rằng, những khó khăn hiện nay sẽ được các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ, để năm học 2009-2010 huyện Hòa Vang sẽ gặt hái được nhiều thành quả trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
HÀN NGỌC
.
.
HÒA VANG
Những khó khăn trước thềm năm học mới
Thứ Tư, 12/08/2009, 09:17 [GMT+7]
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.