.

Hướng ra cho học sinh bỏ học vì nghèo khó

.

Việc giúp đỡ học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn, bỏ học  trở lại trường học tập, hoặc quan tâm đào tạo, hỗ trợ nghề nghiệp, việc làm cho các em, trong thời gian qua được thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức trong thời gian tới…

Kiên trì vận động đến lớp

Mô hình LABS đã đào tạo nghề và giúp hơn 1.100 HS có hoàn cảnh khó khăn trong học tập có việc làm, thu nhập ổn định.

Ông Nguyễn Đăng Ngưng – Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Hải Châu cho biết: “Cuối năm học 2007-2008, toàn quận có 198 HS THCS bỏ học, nhưng đến cuối học kỳ 2 năm học 2008-2009, số lượng HS THCS bỏ học đã được hạn chế, chỉ còn 29 em, trong đó 7 HS chuyển sang học hệ bổ túc, 17 HS đi học nghề và 5 em đã có việc làm.

Từ con số 2.226 HS yếu kém, học kỳ 2 của năm học 2008-2009, các trường đã tiến hành phân loại, phân công giáo viên trực tiếp phụ đạo, giúp đỡ, đỡ đầu. Các HS nào yếu vươn lên trung bình là được xét cấp học bổng, toàn quận đã vận động được 45 triệu đồng để trao 450 suất học bổng nhằm ghi nhận sự nỗ lực, khuyến khích các em.
 
Trong kỳ nghỉ hè vừa qua, các trường và các tổ chức, đoàn thể địa phương trên toàn quận đã vận động được 824/859 HS ra ôn tập hè, dự kiến thi lại được lên lớp khoảng 70%; khoảng 200 em còn lại ở lại lớp có nguy cơ bỏ học rất cao. Sắp tới, các thầy, cô giáo cũng phải cố gắng tiếp tục và nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, chúng tôi sẽ tổ chức tuyên dương các thầy, cô giáo có công giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn trong học tập nhằm ghi nhận nỗ lực của các thầy, cô…”.

Ông Vũ Bá Bảo – Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Sơn Trà cho biết: “Cuối năm học 2007-2008, toàn quận có 143 HS bỏ học. Bằng nhiều giải pháp tổ chức quyết liệt và nỗ lực lớn của các thầy, cô cũng như các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể khác, đến cuối năm học 2008-2009 giảm xuống chỉ còn 80 em bỏ học. Suốt mùa hè qua, việc vận động số HS này ra lớp để ôn tập, củng cố lại kiến thức cũng chỉ được 20 em.
 
Thực sự, chúng tôi không ngại việc vận động, luôn sẵn sàng đón tiếp các em trở lại trường; các hội, đoàn thể cũng rất nỗ lực nhưng hoàn cảnh kinh tế gia đình của không ít HS rất khó khăn, một bộ phận HS thì không có ý thức với việc học, còn phụ huynh cũng chẳng quan tâm lắm. Vận động được các em đến trường rồi, việc dạy dỗ các em tại lớp cũng rất khó khăn; thầy - cô giáo ở các trường rất bức xúc vì số em này vào lớp hay quậy phá, không chịu học tập… ảnh hưởng đến việc dạy và học, sinh hoạt của cả lớp”.

Đào tạo nghề cũng vất vả

Nhằm giúp đỡ cho các HS hoàn cảnh kinh tế khó khăn phải bỏ học, việc tổ chức, hỗ trợ cho các em học nghề được xem là một giải pháp thiết thực. Bắt đầu từ tháng 11-2004 đến nay, Dự án đào tạo nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn theo định hướng thị trường (LABS) do Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố và Tổ chức Plan thực hiện đã đào tạo nghề được 13 khóa, với hơn 1.100 thanh niên (có trình độ từ lớp 8 đến lớp 12) được cấp chứng chỉ nghề quốc gia, giải quyết việc làm đạt tỷ lệ hơn 80% học viên mỗi khóa và có thu nhập ổn định.
 
Chương trình được chiêu sinh liên tục với 3 ngành nghề: bán hàng và chăm sóc khách hàng, phục vụ nhà hàng, khách sạn và đồ họa trên máy vi tính, thời gian đào tạo là 4 tháng. Để có được kết quả trên, các thầy - cô giáo, cán bộ dự án đã phải nỗ lực rất lớn trong dạy dỗ, dìu dắt và áp dụng các phương pháp đào tạo, hỗ trợ, rèn luyện kỹ năng sống, kiến thức xã hội rất bài bản và khoa học. Đại diện của dự án LABS tại Đà Nẵng cho biết: “Sắp đến, đáp ứng cơ cấu chuyển đổi lao động của thành phố, dự án sẽ mở rộng quy mô lên gấp đôi ở Đà Nẵng, đây là một thách thức lớn cần sự hỗ trợ của lãnh đạo thành phố”…

Tuy ở các quận, huyện cũng đã tổ chức một số lớp đào tạo nghề với hình thức tương tự như trên cho các ngành nghề như: sửa chữa xe máy, điện tử, cơ khí… nhưng hiệu quả mang lại chưa tương xứng với sự quan tâm, đầu tư và kỳ vọng. Một Bí thư Quận đoàn được phân công làm chủ nhiệm một lớp dạy nghề cho HS bỏ học, đến nay đã gần kết thúc khóa học, nhưng khi được hỏi về tình hình của lớp thì không dám nói vì tỷ lệ bỏ học nghề cũng chiếm gần 40%. Một Bí thư Đoàn phường ở một quận trung tâm thành phố cũng thở dài: “Quận đoàn phân công đỡ đầu cho 4 HS, nhưng… 3 HS đã bỏ đi khỏi địa phương, không ai biết đang ở đâu”.

Từ thực tiễn của việc hạn chế HS bỏ học, vận động HS trở lại trường và hỗ trợ, đào tạo nghề cho các em tuy trong thời gian qua đã gặt hái được những kết quả nhất định, song đang đặt ra nhiều thách thức. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, chính quyền, các hội đoàn thể… cần ngồi lại với nhau đánh giá kết quả, chia sẻ, đúc kết những cách làm, kinh nghiệm hay và phối hợp thực hiện tổng lực, nhằm giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn trong học tập.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.