Chỉ còn khoảng ba tuần nữa là năm học mới 2009-2010 sẽ bắt đầu. Ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, năm nay, ngành Giáo dục-Đào tạo thành phố có thêm một nhiệm vụ cấp bách là phải kịp thời đối phó, ngăn ngừa đại dịch cúm A/H1N1 đang có nguy cơ xuất hiện.
Các trường khẩn trương vào cuộc
Học sinh Trường tiểu học Phan Thanh được hướng dẫn rửa tay sát khuẩn trước khi vào bữa ăn trưa. |
Tại Trường tiểu học Phan Thanh, ngay sau khi nhận thông báo của Sở GD-ĐT, Ban giám hiệu trường đã thành lập BCĐ phòng, chống dịch cúm A/H1N1 tại trường. Ông Lê Văn Lạc, Hiệu trưởng kiêm Trưởng BCĐ phòng, chống dịch cúm Trường tiểu học Phan Thanh cho biết, các giáo viên đứng lớp được giao nhiệm vụ giám sát học sinh, cụ thể là thường xuyên theo dõi sức khỏe; các cán bộ y tế của trường sẽ cập nhật thông tin về cúm cũng như phương pháp phòng ngừa trong trường học, thông báo hằng ngày cho giáo viên và học sinh. Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với Trạm Y tế phường, cán bộ dịch tễ quận, trường đang có kế hoạch mua khẩu trang, xà phòng diệt khuẩn để phòng bị một khi có tình huống xấu xảy ra.
Để đề phòng cúm A/H1N1 lây lan vào trường học, các trường yêu cầu phụ huynh nên cho con em kiểm tra sức khỏe trước khi nhập học. Tình trạng sức khỏe của học sinh phải được thông báo để nhà trường biết theo dõi.
Ông Nguyễn Tiến Khải, Hiệu trưởng kiêm Trưởng BCĐ phòng, chống dịch cúm A/H1N1 Trường THCS Trưng Vương cho biết, đây là biện pháp cần thiết một khi nhà trường không thể tổ chức khám sức khỏe cho các em. Hiện nay, Trường THCS Trưng Vương đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu tuyên truyền, giao cho cán bộ y tế mua khẩu trang và xà phòng diệt khuẩn để cho học sinh rửa tay. Công tác dọn vệ sinh trường lớp cũng được tiến hành thường xuyên. Năm học này, Trường THCS Trưng Vương có 1.700 học sinh ở 56 lớp, được đánh giá có quy mô lớn, do vậy việc chuẩn bị ngay từ lúc này là cần thiết.
Trên địa bàn quận Sơn Trà hiện có 14 trường tiểu học, 7 trường THCS, 16 trường mầm non và nhóm trẻ gia đình. Để thực hiện phòng, chống cúm A/H1N1 có hiệu quả, ông Vũ Bá Bảo, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận cho biết, các trường phải xây dựng kế hoạch cụ thể phòng, chống dịch, phổ biến công tác này cho phụ huynh biết ngay từ ngày học sinh tựu trường.
Đối với các nhóm trẻ gia đình, chủ các nhóm trẻ này phải chịu trách nhiệm phổ biến các nội dung tuyên truyền, phương pháp phòng ngừa dịch cho phụ huynh và liên hệ chặt chẽ với cán bộ y tế phường để phối hợp thực hiện phòng, chống dịch.
Không chủ quan, không hoang mang
Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các trường “không chủ quan, không hoang mang” trong việc phòng, chống dịch cúm A/H1N1. Chỉ tiến hành tựu trường, khai giảng năm học mới khi đã thành lập BCĐ và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống cúm.
Các trường cần tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch trong toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên để tự phòng ngừa. Đồng thời, tích cực tuyên truyền phòng, chống cúm A/H1N1 trong gia đình và cộng đồng vào dịp khai giảng năm học mới 2009-2010. Bộ cũng yêu cầu, các trường học chủ động xây dựng kế hoạch với những phương án cụ thể để phòng, chống dịch.
Khi phát hiện trường hợp nhiễm cúm, cần có biện pháp khẩn cấp để hạn chế sự lây lan, đồng thời báo cáo ngay với cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp và cơ quan y tế ở địa phương để được hướng dẫn, quyết định việc tạm thời đóng cửa và mở cửa trường trở lại khi đủ điều kiện và cần có phương án huy động cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động cứu hộ, tuyên truyền phòng, chống dịch khi có sự điều động của cơ quan có thẩm quyền.
Hiện nay Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành “Tài liệu hướng dẫn phòng, chống đại dịch cúm A/H1N1 cho các trường học”, gồm: hướng dẫn đeo khẩu trang, hướng dẫn giám sát việc phòng chống dịch cúm, quy trình rửa tay...
Ngày 3-8, Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng công bố quyết định thành lập BCĐ công tác y tế trường học và kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H1N1 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Theo đó, BCĐ công tác y tế trường học có nhiệm vụ tuyên truyền mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H1N1 theo khuyến cáo của Bộ Y tế cho học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, gắn với phong trào “Mỗi học sinh tự kiểm tra, tự bảo vệ mình” trước dịch cúm.
Bên cạnh đó, BCĐ công tác y tế trường học cũng sẽ tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện những trường hợp nghi nhiễm cúm trong các cơ sở giáo dục để chủ động đối phó. Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng yêu cầu các trường học trên địa bàn thành phố trong các ngày 15, 16, 21 và 22-8 tiến hành họp phụ huynh để phổ biến những thông tin cần thiết về dịch cúm A/H1N1.
Tại cuộc họp này, các trường học không chỉ phổ biến những quy định của năm học mới, mà còn dành nhiều thời gian để phổ biến đến phụ huynh những thông tin về tình hình dịch cúm A/H1N1, cách nhận biết triệu chứng bệnh và cách xử lý tình huống nếu không may con em mình mắc bệnh trong quá trình đến lớp, nhanh chóng có giải pháp cách ly để các em không tiếp tục lây cho bạn bè.
Thạc sĩ Tôn Thất Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho rằng: “Công tác phòng, chống dịch cúm A/H1N1 cần phải cụ thể, phân công rõ ràng. Ngay từ bây giờ, nhà trường cần làm vệ sinh, sát khuẩn bằng thuốc cloramine B. |
Bài và ảnh: DIỆU MINH