Trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, nhiều sinh viên ngoại tỉnh chưa kịp đi hết cảm giác lâng lâng, hạnh phúc, đã phải sớm đối mặt với muôn vàn nỗi lo, khi xa gia đình lên thành phố trọ học. Trong thời điểm hiện tại, bài toán khó nhất với nhiều sinh viên vẫn là tìm được một chỗ trọ giá rẻ, gần trường, yên tĩnh để “dùi mài kinh sử”, song lời giải thì vẫn còn là một ẩn số.
“Cháy” phòng trọ, giá tăng
Có được một chỗ trọ tiện nghi, an toàn, giá rẻ trong KTX là mơ ước của nhiều sinh viên. |
Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 8, hầu hết những dãy phòng trọ quanh khu vực các trường ĐH, CĐ đều đã treo biển hết phòng, bởi theo lý giải của chị Hoàng Ngọc Dung, một chủ nhà trọ trên đường Dũng sĩ Thanh Khê, thì: “Ngay từ trong hè, nhiều sinh viên năm cuối đã đặt chỗ trước cho em út hoặc người quen, để đầu năm vào là có chỗ ở ngay, do vậy, rất hiếm khi dư phòng trống cho các sinh viên mới đến hỏi thuê”.
Cô tân sinh viên Đỗ Mai Hương, quê Thanh Hóa, cho biết: “Em vào đây đã được hơn tuần, ngày nào cũng đạp xe đi từ sáng đến chiều, tiêu gần hết số tiền nhà cho mang theo, mà vẫn chưa thể tìm được một chỗ trọ vừa ý”. Hỏi ra mới biết, cái khái niệm “vừa ý” của Hương không phải theo kiểu “kén cá chọn canh”, song là con gái, lần đầu tiên một mình đi xa nhà, với số tiền dắt túi quá ít ỏi, Hương không có nhiều lựa chọn để có được một chỗ ở ổn định ban đầu trước khi nhập học.
Bạn Ngô Anh Quân, cùng đi với Hương, nói: “Cho đến giờ, phòng trọ có giá thấp nhất mình tìm được là 300.000 đồng/người/tháng, chưa tính tiền điện nước, lại nằm trong một khu nhà trọ không có chủ ở gần quản lý, cả 10 phòng (nam và nữ) chỉ dùng chung một nhà vệ sinh, chắc bí quá cũng đành ở liều”.
Cái bối rối của Quân và Hương cũng là tâm trạng chung của rất nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khác, bởi nhiều chủ nhà trọ nhân cơ hội này đã đẩy giá phòng lên cao gấp 2, gấp 3 bình thường. Dạo một vòng quanh các khu nhà trọ mới xây dọc tuyến đường Phan Đăng Lưu, khu vực phường Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam, gần các trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Cao đẳng Bách khoa…, đều nhận được những câu “hét” giá trên trời. Một phòng trọ chừng 10m2, vừa đủ 2 người ở, giá cứng đã là 800.000 đồng/phòng, chưa kể nhiều phòng khác có thêm cửa sổ, quạt trần, thì giá đều trên 1 triệu đồng/phòng.
Phòng trọ mới xây, đồ dùng mới, giá cao thì có thể chấp nhận được, bởi nó đáp ứng được nhu cầu của một bộ phận sinh viên khá giả, song điều đáng nói là cũng tại khu vực này, nhiều “xóm” trọ đã xuống cấp trầm trọng, phòng ốc chật hẹp, nóng bức, khu vệ sinh thiếu và bẩn, nhưng giá thuê thì vẫn rất cao. Em Trần Thị Minh Tâm, quê Quảng Bình, sinh viên năm 1 Trường Cao đẳng Phương Đông, tâm sự: “Từ hôm vào đây ở mình đã phải chuyển nhà 3 lần, vì chỗ trọ nào cũng quá ồn ào, phức tạp, liên tục xảy ra tình trạng mất cắp, không biết đi hết đời sinh viên sẽ phải chuyển chỗ bao nhiêu lần nữa?”.
Ký túc xá: mới đáp ứng 15% nhu cầu
KTX trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. |
|
Theo thầy Trần Đức Mạnh, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, chỉ tiêu tuyển sinh năm nay là hơn 1.500 sinh viên, nâng tổng số sinh viên của trường lên gần 6.000 người, trong đó, có khoảng 75-80% là sinh viên từ các tỉnh, thành khác đến trọ học. Trong khi KTX của trường chỉ có 1.000 chỗ trọ, trong đó ưu tiên 100 chỗ cho du học sinh Lào, số còn lại dành cho những sinh viên nghèo, thuộc diện gia đình chính sách..., như vậy KTX chỉ có thể đáp ứng được 15% nhu cầu ở trọ của sinh viên.
Tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, ông Phan Minh Thắng, Phó phòng Công tác Học sinh – Sinh viên của trường cho biết, tính cả số sinh viên năm nhất, trường có khoảng 15.000 sinh viên hệ chính quy, trong khi KTX chỉ cung ứng được 2.000 chỗ ở, không thấm tháp vào đâu so với nhu cầu ăn ở của sinh viên.
Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng có cơ sở KTX dành cho sinh viên khá khang trang, với hơn 60 phòng, tuy nhiên theo ông Nguyễn Hoàng Tứ, Trưởng phòng Đào tạo của trường: “Lượng phòng trong KTX cũng chỉ có thể đáp ứng được 50% nhu cầu ăn ở của sinh viên, số còn lại vẫn phải ra ngoài thuê trọ với giá cao, mà điều kiện sinh hoạt, học tập lại rất thấp”.
Khi được hỏi về giải pháp, hầu hết, đại diện của các trường đều nêu lên một khó khăn chung, đó là thiếu nguồn kinh phí, thiếu quỹ đất để đầu tư xây mới hoặc nâng cấp, mở rộng các khu KTX để phục vụ tốt hơn nhu cầu của sinh viên.
Để giải quyết chỗ ở cho sinh viên, cuối tháng 6-2009 vừa qua, UBND thành phố cũng đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng KTX tập trung phục vụ cho HS-SV các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thuê. Theo đó, thành phố đầu tư 1.426 tỷ đồng xây dựng KTX tập trung tại hai khu vực phía Tây và phía Đông thành phố để phục vụ cho 50.000 HS-SV, tương đương khoảng hơn 60% trong tổng số 80.000 HS-SV có nhu cầu ở nội trú tại các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn thành phố.
Trước mắt, trong giai đoạn 2009-2010, sẽ xây dựng 180.000m2 sàn tại khu vực phía Tây thành phố thuộc khu đô thị Tây Bắc, quận Liên Chiểu để giải quyết chỗ ở cho khoảng 25.000 HS-SV. Giai đoạn 2011-2015, sẽ xây dựng tiếp phần diện tích còn lại tại khu vực giáp Làng Đại học Đà Nẵng. Trong khi đó, Bộ Xây dựng cũng vừa có văn bản đề nghị ưu tiên bố trí vốn để phát triển nhà ở cho sinh viên tại 6 địa phương trọng điểm, trong đó có thành phố Đà Nẵng.
Ông Trần Văn Nam, Phòng Giám định kỹ thuật, Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, giai đoạn 1 của dự án dự kiến khởi công vào đầu tháng 9-2009, và đến khoảng tháng 2-2010 thì sẽ hoàn thành về cơ bản.
|
Bài và ảnh: NGÔ ĐỒNG