.
Chương trình “Tiếp sức đến trường” ở quận Ngũ Hành Sơn

Nhân rộng mô hình

.

Ông Nguyễn Nho Trung, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn cho biết, sau khi thực hiện thí điểm chương trình “Tiếp sức đến trường” ở phường Hòa Quý (Báo Đà Nẵng đã phản ánh), quận tiếp tục mở rộng mô hình này trên địa bàn phường Hòa Hải, để từ đó thực hiện tốt hơn nội dung “Không có học sinh bỏ học” theo tinh thần chương trình “5 không” và Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Thế nhưng, vẫn còn nhiều điều cần tính toán lại hợp lý hơn khi thực hiện mô hình này.

Việc hỗ trợ củng cố kiến thức cho học sinh là cần thiết để các em đến trường.

Bắt đầu từ học kỳ 2 năm học 2008-2009, thực hiện Công văn 949-CV/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh bỏ học và thiếu niên vi phạm pháp luật (sau này được sửa đổi thành Chỉ thị 24-CT/TU), phường Hòa Quý được quận Ngũ Hành Sơn chọn triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Tiếp sức đến trường” thông qua việc tổ chức các lớp phụ đạo dành cho học sinh yếu kém nhằm giúp các em có điều kiện tiếp tục việc học ở trường.

Ông Nguyễn Hòa, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Hòa Quý cho biết, thực hiện mô hình này, với sự hỗ trợ hơn 420 triệu đồng của quận, phường đã đầu tư các trang thiết bị như: bàn ghế, bảng đen, tủ sách, xây dựng công trình vệ sinh… ở 8 nhà họp tổ dân phố trên địa bàn phường để vận động các em học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm ra ôn tập.
 
Với mỗi buổi lên lớp, các thầy cô giáo được phân công giúp đỡ các em hệ thống kiến thức, ôn lại bài cũ và chuẩn bị bài mới để các em có thể theo kịp việc học ở lớp. Ban đầu, việc vận động các em đi học rất khó khăn do hầu hết các em đều mặc cảm, nhưng với sự nhiệt tình của những người có trách nhiệm, đã có 268 em đến các lớp phụ đạo, trong đó có cả những em học sinh khá, giỏi.

Với sự tận tụy của các giáo viên đứng lớp, từ 180 em học sinh yếu kém ban đầu, đến cuối học kỳ 2, chỉ còn 72 học sinh yếu; đặc biệt có 6 em vươn lên đạt loại khá. Tiếp tục kết quả này, trong dịp hè, phường phối hợp với nhà trường hỗ trợ vật chất để vận động 72 học sinh yếu ôn tập và thi lại. Nhờ việc triển khai liên tục như thế, nên đến đầu năm học 2009-2010, phường Hòa Quý và Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm đã vận động được 9 em trong số 12 học sinh bỏ học trở lại trường; 3 em còn lại được vận động đi học nghề. Theo ông Nguyễn Hòa, từ hiệu quả ban đầu này, trong thời gian tới, thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU, phường Hòa Quý sẽ tiếp tục thực hiện mô hình này để giúp đỡ các em đến trường.

“Vấn đề khó khăn lớn nhất trong việc vận động học sinh bỏ học trở lại trường trên địa bàn Ngũ Hành Sơn chính là do các em đã lưu ban nhiều lần do học lực yếu. Do lớn tuổi, các em mắc cỡ khi trở lại trường học với các bạn lớp sau. Chính vì thế, chúng tôi triển khai mô hình “Tiếp sức đến trường” thông qua việc phụ đạo học tập cho các em để có nền tảng vững chắc hơn về kiến thức, không để xảy ra tình trạng yếu kém trong học tập dẫn đến bỏ học, trước mắt cũng như lâu dài.
 
Đây là vấn đề căn cơ nhất và cần có một cơ chế, chính sách thật đồng bộ” - ông Nguyễn Nho Trung nhìn nhận như vậy. Bởi theo ông Trung, với sự hỗ trợ vật chất một cách mạnh mẽ, thì hiện nay, khó có tình trạng học sinh bỏ học do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn. Trên địa bàn toàn quận, hiện chỉ còn 9 học sinh THCS bỏ học, mà trong đó hoàn toàn là do lưu ban nhiều năm, sức học yếu, lớn tuổi nên ngại đến trường.

Cũng chính vì thế, quận Ngũ Hành Sơn đã quyết định mở rộng việc thí điểm mô hình phụ đạo học sinh yếu kém ở Trường THCS Huỳnh Bá Chánh (phường Hòa Hải). Bên cạnh đó, ông Nguyễn Nho Trung cũng cho biết, sẽ vận động học sinh bỏ học đến các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, đồng thời định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện để các em học nghề phù hợp với khả năng của mình.

Tuy nhiên, điều băn khoăn lớn nhất khi triển khai thực hiện việc phụ đạo cho học sinh yếu kém, không phải là vấn đề đầu tư kinh phí cho cơ sở vật chất, mà chính là từ đội ngũ giáo viên. Trên thực tế, giáo viên được phân công đứng lớp phụ đạo gặp rất nhiều khó khăn về bố trí thời gian, vừa bảo đảm việc phụ đạo vừa phải nâng cao chất lượng giảng dạy chính khóa cũng như các hoạt động của nhà trường.

Thế nên, ông Nguyễn Nho Trung cho biết, sẽ sắp xếp hợp lý hơn về địa điểm dạy phụ đạo cho học sinh cũng như cơ chế, chính sách cho giáo viên đứng lớp và vận động học sinh bỏ học ra lớp. Theo đó, điểm dạy có thể tập trung ở trường. Với giáo viên, nếu nỗ lực, phấn đấu làm tốt công tác này sẽ được khen thưởng xứng đáng bằng nhiều hình thức như trợ cấp thu nhập, xét nâng lương trước thời hạn, cất nhắc vị trí công tác…

Để giải quyết căn cơ và đồng bộ hơn tình trạng học sinh bỏ học do học lực yếu phải lưu ban nhiều năm, thì việc tổ chức phụ đạo cho học sinh yếu kém chỉ mới là một phần rất nhỏ trong giáo dục hiện nay. Điều  cốt yếu là cần một sự chung tay hơn nữa giữa gia đình-nhà trường và chính quyền.

Bài và ảnh: Anh Quân

;
.
.
.
.
.