.

Đường xa tới trường

.

Ở nhiều xã của huyện Hòa Vang, học sinh đến trường chủ yếu là đi bộ; có nơi các em phải đi bộ gần 20km mỗi ngày.

Nhà bà Nguyễn Thị Lâm hiện có 4 con đang đi học, nhưng chỉ có độc nhất một chiếc xe đạp do người anh trai bà cho năm 2008. Không còn cách nào khác, các con bà phải nhường nhịn xe cho nhau để đến trường hằng ngày.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Lâm (52 tuổi), trú thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn có cả thảy 8 đứa con. Trong số đó, 4 cô con gái lớn đã có chồng, 4 người con còn lại đang tuổi ăn học, gồm: Phan Thị Trang, học lớp 12 Trường THPT Phạm Phú Thứ; hai em Phan Thị Điểm, học lớp 8 và Phan Đình Phúc, học lớp 6 Trường THCS Trần Quang Khải; Phan Thị Hồng Nhung, học lớp 1 Trường tiểu học số 1 Hòa Sơn. Năm nào cũng vậy, hằng ngày, dù học ở trường xa hay trường gần, con của bà Lâm đều đi bộ đến trường.

Thương các cháu, năm 2008, anh trai bà Lâm cho một chiếc xe đạp cũ để bà Lâm sửa lại cho các con đi học. Thấy trong nhà chỉ có một chiếc xe đạp mà đến bốn em cần sử dụng, chị Phan Thị Trang nhường xe cho hai em Diễm và Phúc đi học. Hằng ngày, Trang chấp nhận đi bộ với quãng đường gần 9km để đến trường, tính ra, mỗi ngày vừa đi vừa về gần 18km. Ấy vậy, ngày nào Trang cũng có mặt ở lớp đúng giờ.

Năm nay mới học lớp 4, nhưng em Phạm Trường Thiên Quốc, con  anh Phạm Trường Nhân và chị Lê Thị Dự, trú thôn Hòa Khê, xã Hòa Sơn đã khá “nổi tiếng” về tài đi bộ. Bất kể mưa, nắng, ngày nào Quốc cũng đi bộ 4 lần trên quãng đường dài chừng 4km từ nhà đến trường. Lớp học 2 buổi/ngày, nên từ 6 giờ sáng em đã thức dậy để đến trường. Trưa, Quốc đi bộ về nhà ăn cơm. Đầu giờ chiều em lại đi bộ đến lớp và cuối buổi đi bộ về. Tính ra, mỗi ngày em đi bộ trung bình khoảng 16km để đến lớp. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi, đi học khổ vậy, có khi nào em thấy chán nản không, Quốc ngây thơ bảo: “Em đi bộ quen rồi, mỗi ngày được đến trường em thấy vui lắm”.

Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, cán bộ Hội Phụ nữ xã Hòa Sơn cho biết, do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, trong thôn có nhiều gia đình không mua nổi xe đạp cho con em đến trường. Hiện nay, trong thôn Hòa Khê có gần 20 trường hợp học sinh đến trường học chủ yếu đi bộ.

Chị Lê Thị Dự (mẹ em Quốc) bùi ngùi tâm sự: Chuẩn bị vào năm học mới, vợ chồng tôi cứ thầm hứa với nhau sẽ cố gắng tằn tiện mua cho cháu Quốc một chiếc xe đạp để đi học. Thế nhưng, hoàn cảnh gia đình hiện nay quá khó khăn. Chồng thất nghiệp, tiền lương công nhân may của tôi hằng tháng chỉ được từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng, đủ chi tiêu trong gia đình gồm hai vợ chồng và 3 con nhỏ. Vì thế, vợ chồng tôi vẫn chưa thực hiện được lời hứa với con.

Năm học 2009-2010, Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc) có 62 học sinh người dân tộc Cơ-tu ở hai thôn Tà Lang và Giàn Bí theo học. Các em được ăn ở nội trú trong trường và mỗi tuần về nhà một lần. Vào dịp cuối tuần, muốn về nhà, nhiều em phải đi bộ gần 10km đường núi. Các em cho biết, do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình không mua nổi xe đạp  cho các em đi học.

Chúng tôi được biết, ở các xã Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Liên… cũng có nhiều học sinh phải đi bộ đến lớp hằng ngày. Các em ao ước làm sao có được một chiếc xe đạp để đến trường. Mong sao, chính quyền các cấp, các tổ chức từ thiện xã hội, nhà hảo tâm quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ các em ở những vùng khó khăn này có phương tiện đi học. Đó cũng là cách  giúp đỡ thiết thực, góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học nửa chừng.
               
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.