* Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT dự Lễ khai giảng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn
(ĐNĐT) - Sáng 5-9, gần 200.000 học sinh các cấp trên toàn thành phố Đà Nẵng đã dự lễ khai giảng năm học mới 2009-2010. Tại các trường học, lễ khai giảng được trang hoàng cờ hoa lộng lẫy, kèm theo các câu khẩu hiệu thể hiện quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học của thầy và trò ngành giáo dục-đào tạo.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nông Thị Ngọc Minh đã tham dự Lễ khai giảng năm học mới 2009-2010 tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đánh trống khai giảng năm học mới tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ảnh: N.Thành |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Học sinh được sống trong tương lai để học ở hiện tại Mỗi đầu năm học, chỉ có khoảng 2% học sinh tốt nghiệp THCS của Đà Nẵng được vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, vì vậy các em học sinh của trường phải biết tự hào về điều đó, tự hào vì thành phố đã tạo cơ hội tốt trong học tập và rèn luyện. Được tạo cơ hội đó, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn được sống trong tương lai mà học ở thì hiện tại. Trong khi học sinh cả nước đang phấn đấu “3 đủ”: đủ ăn, đủ mặc và đủ sách vở, thì học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã đạt “4 có”: có cơ sở vật chất hiện đại, có thầy cô giáo giỏi, có điều kiện nội trú tốt và có sự quan tâm sâu sắc của Thành ủy, UBND và các ban, ngành của thành phố. Vì vậy, học sinh nhà trường phải phấn đấu học tập để có năng lực vượt trội, nên cố gắng biết 2 ngoại ngữ, một của châu Âu và một của châu Á để sau này góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển, xây dựng đất nước. (N.T) | |
Trong đó, không chỉ phấn đấu đạt tiêu chuẩn “chuyên” trong học tập, mà phải phát triển con người “chuyên” toàn diện, có sức khỏe, có kiến thức và ứng xử xã hội tốt. “Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn phải thấm trong mình văn hóa Việt Nam. Tất cả học sinh phải hiểu biết hơn nữa những kiến thức xã hội, phải biết đi đến tận Mũi Cà Mau, đến Điện Biên Phủ.. . để từ đó đi vào cuộc sống vững tâm hơn”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp lãnh đạo, nhà trường theo dõi quá trình học tập, trưởng thành của các học sinh, từ đó có sự động viên, hỗ trợ để các em thực sự trở thành nhân tài, không chỉ của Đà Nẵng mà cả khu vực miền Trung cũng như cả nước.
Sau bài phát biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đánh trống khai giảng năm học mới và tặng quà cho đội ngũ thầy cô giáo, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn.
Trong năm học 2008-2009, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đã đạt nhiều giải thưởng học sinh giỏi quốc gia và quốc tế, trong đó có Huy chương bạc kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 40 của em Nguyễn Đình Tùng, Huy chương đồng kỳ thi Olympic Vật lý châu Á lần thứ 10 của em Đinh Hưng Tư; 100% đỗ đại học và có 4 học sinh đỗ thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua... Năm học 2009-2010, nhà trường phấn đấu đưa tỷ lệ học sinh giỏi đạt trên 90%, đỗ đại học 100%, tăng số lượng và chất lượng các giải quốc gia và quốc tế...nhằm đạt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có đức-trí-thể-mỹ, có trình độ ngoại ngữ, tin học, thích ứng, có trách nhiệm với xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và đất nước.
* Dự Lễ khai giảng Trường THCS Trưng Vương, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Thọ phát biểu biểu dương thầy và trò nhà trường trong nhiều năm liền duy trì được chất lượng cao trong dạy và học, đạt được nhiều thành tích. Đảng bộ và chính quyền thành phố tin tưởng thầy và trò trường THCS Trưng Vương tiếp tục phát huy truyền thống thi đua dạy tốt, học tốt, chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi, không để học sinh bỏ học.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhắn nhủ, mỗi thầy, cô là một tấm gương sáng cho học sinh về đạo đức, lối sống. Các em học sinh chăm chỉ học tập, phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, trau đồi đạo đức, tích cực tham gia công tác xã hội.
* Phát biểu tại Lễ khai giảng trường THPT Phan Châu Trinh, Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh yêu cầu nhà trường cần phải nâng cao chất lượng dạy và học, củng cố và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tiếp cận với điều kiện dạy học hiện đại, nhanh chóng đổi mới phương pháp ngày càng hiệu quả hơn để đạt những thành quả năm sau cao hơn năm trước.
Học sinh trường THPT Phan Châu Trinh trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: V.Dũng |
Chủ tịch UBND thành phố tin tưởng, với truyền thống hiếu học và sự đầu tư trọng điểm, thầy và trò trường THPT Phan Châu Trinh sẽ tiếp tục gặt hái những thành quả cao trong năm học 2009-2010, xứng danh ngôi trường mang tên Nhà yêu nước Cách mạng Phan Châu Trinh.
Học sinh nô nức đến trường
Theo ghi nhận của Đà Nẵng điện tử, sáng 5-9, mặc dù gặp phải những cơn mưa nặng hạt vào buổi sáng sớm, hàng trăm ngàn học sinh và phụ huynh vẫn nô nức đến trường trong những bộ đồng phục đẹp nhất, rộn ràng chào năm học mới.
Học sinh đội mưa dự lễ khai giảng (Ảnh chụp tại trường THCS Huỳnh Thúc Kháng) Ảnh: Ngô Đồng |
Trong thành phố, mưa vẫn không ngừng rơi, các trường có mặt bằng sân rộng, ít bị ngập nước, đều cố gắng tiến hành lễ khai giảng đúng giờ. Tại trường THCS Huỳnh Thúc Kháng, tất cả học sinh và các thầy cô giáo phụ trách đều mặt áo mưa, che ô đủ màu sắc, tham dự lễ khai giảng trên sân trường loáng loáng nước, buổi lễ vì thế càng thêm phần ý nghĩa, đặc biệt là với những em học sinh đầu cấp.
Tuy nhiên, hậu quả của cơn mưa kéo dài từ đêm trước, khiến nhiều trường không thể tổ chức trọn vẹn buổi lễ khai giảng trong sáng nay. Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi cho biết, do sân trường bị ngập nước, nên lễ khai giảng được chuyển sang hình thức sinh hoạt trong từng lớp, các em học sinh được nghe giáo viên chủ nhiệm đọc thư của Chủ tịch nước gởi đến thầy cô giáo và học sinh nhân ngày khai trường, triển khai các nội dung trọng tâm của năm học mới, các quy định về văn hóa giao thông học đường và biện pháp phòng chống cúm A/H1N1. Ban Giám hiệu nhà trường cũng đến thăm từng lớp, động viên học sinh phấn đấu cho năm học mới.
176 tỷ đồng cải tạo, sửa chữa trường học Chuẩn bị cho năm học mới 2009-2010, UBND thành phố đã đầu tư hơn 176 tỉ đồng cải tạo 76 công trình trường học và sửa chữa 380 phòng học, đầu tư gần 16 tỷ đồng mua sắm thiết bị dạy học cho các trường. Ngành giáo dục-đào tạo đã tiếp nhận, tuyển dụng mới 227 giáo viên, gồm 121 giáo viên tiểu học, 63 giáo viên THCS và 43 giáo viên THPT điều động về công tác tại các trường, đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu giáo viên ở các bậc học. Thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT về “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) đối với học sinh, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Công ty Cổ phần Sách-Thiết bị trường học Đà Nẵng tặng 1.328 bộ sách giáo khoa cho học sinh con liệt sĩ, thương binh từ lớp 1 đến lớp 12, với tổng giá trị gần 135 triệu đồng. Ngoài ra, công ty đảm bảo cung ứng đủ số lượng sách để phục vụ cho học sinh các cấp, không để diễn ra tình trạng sốt sách giáo khoa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng Nhằm góp phần phòng, chống dịch cúm A/H1N1 xâm nhập trường học, trước ngày khai giảng, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường học, cơ sở giáo dục xây dựng các biện pháp cụ thể để phòng chống dịch; tổ chức họp phụ huynh để quán triệt kế hoạch phòng chống dịch và có trách nhiệm phối hợp với đơn vị trường học, cơ sở giáo dục thực hiện phòng chống dịch; tổ chức vệ sinh môi trường, trang bị khẩu trang y tế, thuốc men, phun thuốc diệt khuẩn; kiểm tra hệ thống vệ sinh, nước uống, nhất là những cơ sở giáo dục có tổ chức bán trú, ký túc xá trước khi tựu trường… (N.Đ) |
Nhóm PV Thời sự