.
GIÁO DỤC VĂN HÓA GIAO THÔNG CHO HỌC SINH

Yếu và thiếu!

.

Những năm học vừa qua, Sở Giáo dục-Đào tạo Đà Nẵng đã có nhiều văn bản cấm học sinh đến trường bằng xe máy; học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm… Nhưng hiện nay, ở các trường THPT trên địa bàn thành phố, học sinh vẫn vi phạm các quy định này; một số còn có hành vi chưa văn hóa trong lĩnh vực an toàn giao thông.

“Có ai phạt đâu mà đội mũ”

Học sinh đi xe máy điện không đội mũ bảo hiểm vô tư lưu thông trên đường.

Đó là câu trả lời của một nhóm học sinh nữ Trường THPT Thái Phiên khi chúng tôi hỏi vì sao đi xe máy điện mà không đội mũ bảo hiểm. Tại trường này, tình trạng học sinh đi học bằng xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm xảy ra khá nhiều. Trước khi vào lớp, đa số các em gửi xe ở các hàng quán trước cổng trường, nhằm tránh sự kiểm soát của thầy, cô giáo. Một người dân ở gần trường cho biết, hằng ngày học sinh Trường Thái Phiên đi xe máy điện, xe đạp điện không chỉ không đội mũ bảo hiểm mà còn tụm 4, tụm 5 dàn hàng ngang chạy xe trên đường.

Ở Trường THPT Ngô Quyền, hiện cũng có gần chục học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện để đi học, trong đó có nhiều em không đội mũ bảo hiểm. Nguy hiểm hơn, vào giờ tan trường, nhiều em còn chở 3 trên xe chạy lạng lách, cười đùa trên đường, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông cho người đi đường và bản thân các em.

Tại các Trường THPT Trần Phú, Quang Trung, Phan Châu Trinh, Nguyễn Trãi, Ngũ Hành Sơn… cũng có nhiều học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện đến trường nhưng không đội mũ bảo hiểm. Các em gửi xe ở các hàng quán quanh khu vực trường nên Ban giám hiệu nhà trường không kiểm soát được.

Kiên quyết xử lý học sinh vi phạm

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền thừa nhận, tình trạng học sinh đến trường bằng xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm vẫn thường xảy ra. Để hạn chế tình trạng này, trong giờ chào cờ đầu tuần, Ban giám hiệu nhà trường tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức của học sinh trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ và các quy định của ngành Giáo dục-Đào tạo về lĩnh vực này.

Đối với trường hợp học sinh vi phạm, nhà trường sẽ giữ xe lại và mời phụ huynh đến giải quyết, yêu cầu cam kết không để các em tái phạm. “Thời gian đến, Ban giám hiệu nhà trường sẽ có văn bản đề nghị chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý các hàng quán chung quanh khu vực trường nhận giữ xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện của những học sinh đến trường mà không đội mũ bảo hiểm”, ông Phương cho biết thêm.

Ông Thái Văn Hân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết, trong thời gian đến Sở Giáo dục-Đào tạo sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường tăng cường công tác kiểm tra, xử lý học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện, xe máy điện đến trường; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng kiểm tra, xử lý các điểm trông giữ xe cố tình tạo điều kiện cho học sinh vi phạm.

Thiết nghĩ, lực lượng CSGT cần tăng cường kiểm tra, xử phạt những trường hợp học sinh đi xe gắn máy đến trường và đi xe đạp điện, xe máy điện nhưng không đội mũ bảo hiểm. Ngành Giáo dục-Đào tạo tăng cường hơn nữa các tiết học về an toàn giao thông cho học sinh, đồng thời tổ chức phát động mạnh mẽ phong trào thực hiện nếp sống văn hóa giao thông trong toàn ngành, góp phần thực hiện tốt đề án Xây dựng nếp sống văn hóa-văn minh đô thị của thành phố Đà Nẵng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.