Đầu năm học 2009-2010, ở nhiều trường học trên địa bàn thành phố vẫn xảy ra tình trạng học sinh bỏ học. Mặc dù chính quyền địa phương, nhà trường đã nỗ lực kiên trì vận động, nhưng đến nay, tình hình trên vẫn không mấy khả quan.
Hỗ trợ học bổng thường xuyên cho học sinh nghèo cũng là một giải pháp ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học. |
Đi mòn đường vẫn không có kết quả
Theo thống kê của Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà) đầu năm học 2009-2010, trường có 28 học sinh lớp 6 đến lớp 9 bỏ học, không chịu ra lớp. Nguyên nhân bỏ học của học sinh được xác định là các em bị lưu ban, học yếu, ham chơi. Trước tình hình trên, Ban giám hiệu nhà trường đã liên tục cử giáo viên nhiều lần đến gia đình vận động học sinh quay lại lớp. Mặc dù giáo viên đã năm lần, bảy lượt đi “mòn đường” đến nhà từng em để vận động, song đến nay, 28 học sinh bỏ học vẫn chưa có em nào chịu ra lớp.
Được biết, nhiều em kiên quyết bỏ học vì học không nổi và muốn đi học nghề. Chẳng hạn như trường hợp em Ph. H. C. học sinh lớp 6/4, trú tổ 27 phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), tuy gia đình không thuộc diện nghèo hay khó khăn, nhưng trong năm học 2008-2009, C. ham chơi, học hành chểnh mảng và cuối cùng bị lưu ban.
Bước vào năm học 2009-2010, C. quyết định nghỉ học, không chịu học lại lớp 6. Ông H, ba của C. cho biết: “Nó học không nổi nữa thì cho đi học nghề sửa ô-tô”. Hay như trường hợp em V. đã ba lần lưu ban lớp 6, đến ngày giáo viên đến vận động ra lớp, bố của V. yêu cầu nhà trường cho V. lên lớp 7 học thì mới cho con tiếp tục đi học. Trước yêu cầu này, Ban giám hiệu đành phải “chào thua”, vì nếu cho em V. lên lớp là sai quy chế, tạo điều kiện cho học sinh “ngồi nhầm lớp”. Sau khi yêu cầu nhà trường không được, bố V. kiên quyết cho em nghỉ học.
Ông Lê Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Độ than thở: Từ đầu năm học đến nay, nhà trường đã kiên trì cử giáo viên đến nhà vận động học sinh bỏ học ra lớp, nhưng xem ra vẫn chưa có kết quả. Ban giám hiệu nhà trường cam kết với phụ huynh là trường hợp nào gia đình quá khó khăn, hộ nghèo thì sẽ hỗ trợ sách vở, miễn giảm học phí, tổ chức phụ đạo miễn phí để các em bổ khuyết kiến thức. Lúc vận động thì phụ huynh cứ “ậm, ừ” hứa, nhưng chờ mãi không thấy em nào chịu ra lớp.
Ông Lê Trọng Hùng, Phó phòng Giáo dục-Đào tạo quận Sơn Trà cho biết, theo thống kê, trên địa bàn quận có 120 học sinh THCS bỏ học, không chịu ra lớp trong năm học 2009-2010. Phòng đang chỉ đạo các trường tích cực vận động các em trở lại trường.
Từ đầu năm học 2009-2010 đến nay, ở Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu) cũng có 5 học sinh lưu ban không chịu ra lớp. Ông Lại Tấn Nghị, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường đã nhiều lần cử giáo viên đến nhà vận động các em tiếp tục ra lớp. Nhưng phụ huynh của 5 em này muốn con mình đi học nghề, vì theo họ thì “có đến lớp cũng nhét không vô chữ”.
Giải pháp nào “chữa bệnh” bỏ học?
Theo tìm hiểu, hiện nay, các địa phương và các trường đang “đau đầu” về việc vận động học sinh bỏ học ra lớp, đặc biệt là đối với những học sinh bỏ học vì nguyên nhân lưu ban nhiều năm liền. Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) cho biết, trên địa bàn phường có 3 học sinh THCS bỏ học.
Qua tìm hiểu nguyên nhân, các em này bỏ học vì học lực yếu, kém và ở lại lớp, chứ không phải vì nghèo. Nếu bỏ học vì nghèo thì địa phương sẵn sàng hỗ trợ kinh phí để các em đi học, nhưng bỏ học vì học yếu kém, thì địa phương cũng chỉ biết vận động các em đi học nghề.
ÔngVũ Bá Bảo, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Sơn Trà cho rằng: Để tạo điều kiện cho các em tiếp tục đi học, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp cần thâu nhận những học sinh này vào học để các em hoàn thành chương trình THCS. Sau đó, phân luồng giúp các em vào học ở các trường THCN, trung cấp nghề.
Hiện nay, Sở Giáo dục-Đào tạo đang tiến hành thống kê số lượng học sinh bỏ học không tiếp tục ra lớp trong năm học 2009-2010 trên toàn thành phố để có biện pháp giải quyết. Theo ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, trước mắt, Sở chỉ đạo các Phòng Giáo dục-Đào tạo quận, huyện, các trường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nắm rõ hoàn cảnh của từng học sinh bỏ học không ra lớp, để có những biện pháp kịp thời hỗ trợ, động viên các em đến trường.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN