.

Nỗ lực ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học

.

Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy ra đời là sự khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong việc thực hiện mục tiêu “Không có học sinh bỏ học”. Đối với quận Sơn Trà, đa số học sinh bỏ học là vì học lực kém, sinh ra chán nản, không muốn đến lớp. Vì vậy, để thực hiện tốt Chỉ thị 24-CT/TU, Đảng bộ, chính quyền và ngành Giáo dục địa phương đã và đang xây dựng những biện pháp quyết liệt chống giặc dốt.

Học lực yếu kém khiến cho học sinh chán nản, bỏ bê việc học, ham chơi, ngại đến trường.    (ảnh minh họa)

Năm học 2007-2008, quận Sơn Trà có 143 học sinh bỏ học, năm học 2008-2009 con số này giảm xuống còn 80. Tuy nhiên, khi khai giảng năm học mới 2009-2010, toàn quận có 135 học sinh vẫn chưa ra lớp, tập trung chủ yếu ở bậc THCS. Sau gần 20 ngày từ lúc bắt đầu nhập học cho đến nay, con số này giảm xuống còn 109 em.

Như vậy, với số lượng học sinh chưa ra lớp còn đông thì chính quyền và ngành Giáo dục địa phương phải đối mặt với không ít thách thức. Ông Vũ Bá Bảo, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Sơn Trà cho biết: “Phần lớn các em chưa ra lớp đều là những học sinh học lực kém, bị lưu ban. Mặc dù nhà trường và chính quyền địa phương đã rà soát từng trường hợp, đến tận nhà vận động các em đến trường, nhưng chưa hiệu quả”.

Thực tế trên cho thấy, do học yếu, các em có tâm lý chán nản, không muốn phấn đấu, không muốn tiếp tục đến lớp, e ngại bạn bè cười chê… Cái dốt đã ngăn cản các em đến trường và là nguyên nhân chủ yếu khiến cho tình trạng học sinh bỏ học vẫn còn tiếp diễn không chỉ ở quận Sơn Trà mà trong toàn thành phố. Cuộc chiến chống giặc dốt là cả một hành trình gian nan đối với ngành Giáo dục quận Sơn Trà. Trong năm học 2008-2009, Phòng Giáo dục-Đào tạo quận đã chỉ đạo các trường tập trung phụ đạo, giúp đỡ những em có học lực yếu.

Trong dịp hè vừa qua, ngay khi năm học kết thúc, các trường đã tổ chức những lớp phụ đạo để bổ trợ, bồi dưỡng kiến thức thêm cho những em học yếu và giúp các em củng cố bài vở để thi lại. Thế nhưng, theo ông Vũ Bá Bảo thì số lượng học sinh yếu kém, lưu ban tham gia những lớp phụ đạo hè còn thấp, chỉ khoảng 70-80%. Nhiều em không đến học một phần vì ngại bài vở, chậm tiếp thu, một phần vì ham chơi, muốn tụ tập bạn bè… Hệ quả là nhiều em không tham gia thi lại và vào năm học mới, các em vẫn tiếp tục nghỉ học, không ra lớp.

Hiện tại, học sinh bỏ học tập trung nhiều ở hai phường Nại Hiên Đông và Mân Thái. Điều kiện sống và sinh hoạt của người dân vùng biển cũng đã tác động không nhỏ đến tâm lý muốn bỏ học của các em học sinh. Trong khi đó, vai trò của gia đình mặc dù rất quan trọng trong việc giáo dục con trẻ nhưng đối với một số gia đình đang làm nghề biển, buôn bán, lao động phổ thông ở khu vực Mân Thái, Nại Hiên Đông thì không được coi trọng đúng mức.

Thậm chí, có những bậc phụ huynh khi nhà trường và chính quyền địa phương đến vận động con em đến trường thì họ lại chủ động xin cho con thôi học với lý do con họ học không nổi nữa thì học làm gì. Rõ ràng, không ít bậc phụ huynh đã “khoán trắng” việc giáo dục, dạy dỗ con cái cho nhà trường và hầu như không quan tâm đến việc con mình học như thế nào, giỏi thì tốt mà nếu dốt thì không học nữa cũng chẳng sao. Không có sự khuyến khích, động viên và uốn nắn từ phía gia đình mà ngược lại còn được cho phép nghỉ học nên những em học sinh lưu ban, học lực kém sẵn sàng bỏ lớp, bỏ trường.

Ông Nguyễn Văn Cửu, Chánh Văn phòng Quận ủy Sơn Trà cho biết: Trong năm học mới này, quận đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học. Quận ủy Sơn Trà khẳng định: không để tình trạng học sinh bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bất cứ trường hợp nào nếu phát hiện vì nghèo khó mà bỏ học thì chính quyền địa phương cùng các hội, đoàn thể sẽ chung tay, tiếp sức cho các em đến trường.

Đối với những em vì học lực yếu, có nguy cơ bỏ học, biện pháp trước mắt là phân công giáo viên chủ nhiệm lớp theo dõi, kèm cặp để hạn chế tình trạng vì học kém, vì lưu ban mà ngại đến lớp. Tuy nhiên, trên thực tế, trong một lớp có đông học sinh, nhiều khi giáo viên cũng không đủ thời gian và điều kiện để thường xuyên kèm cặp các học sinh yếu kém, đó là chưa kể các em càng học yếu càng chán nản và bỏ bê việc học.

Chuyện đối phó với giặc dốt quả là không đơn giản, phải cần cả một quá trình lâu dài thì tình trạng vì học yếu mà bỏ học mới được khắc phục. Trước mắt, trong năm học 2009-2010, ông Vũ Bá Bảo khẳng định: Chỉ có nâng cao chất lượng dạy và học mới hạn chế được tình trạng học sinh yếu kém, học sinh lưu ban. Mọi cố gắng của nhà trường phải trải dài suốt cả năm học chứ không chỉ tập trung phụ đạo trong một mùa hè.
 
Động viên, khuyến khích các em chăm lo bài vở ngay từ đầu năm sẽ giúp nâng cao kiến thức và khắc phục những lỗ hổng tri thức của những học sinh có học lực yếu. Tuy nhiên, theo ông Bảo, cũng cần phải chú ý đến thực chất của việc giảng dạy và học ở trường, tránh đi vào con đường cũ, chạy theo thành tích, sợ học sinh lưu ban ảnh hưởng đến đánh giá chung nên cứ cho lên lớp không đúng với thực lực của các em. Đối với những học sinh quá yếu không muốn tiếp tục học nữa thì nhà trường phối hợp với chính quyền phân luồng và động viên các em học bổ túc hoặc học nghề.

Quận Sơn Trà đang tập trung chỉ đạo tất cả các cơ quan, ban ngành, Mặt trận, các hội, đoàn thể, Đảng ủy và UBND các phường cùng triển khai những biện pháp giúp đỡ các em học sinh đã hoặc có nguy cơ bỏ học. Đây cũng là một trong những tiêu chí thi đua để Quận ủy Sơn Trà đánh giá chất lượng công tác Đảng ở các đơn vị, các tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn quận.

Việc chống giặc dốt sẽ cần nhiều thời gian và sự phối hợp của nhiều ngành. Một khi ngăn chặn được tình trạng học sinh bỏ học thì đó không chỉ là sự thành công của ngành Giáo dục mà còn khẳng định sự chỉ đạo đúng hướng của Đảng bộ, chính quyền quận Sơn Trà nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung đối với sự nghiệp trồng người.

Hà An

;
.
.
.
.
.