.

Phân luồng học sinh tốt sẽ giảm gánh nặng, tiết kiệm chi phí cho xã hội

.

(ĐNĐT) -  Phát biểu tại Hội thảo trực tuyến “Các giải pháp phân luồng học sinh sau THCS và THPT" tại 6 điểm cầu truyền hình trên cả nước ngày 11-9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền về vị trí của giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, cụ thể là rà soát chương trình hướng nghiệp, nâng cao trình độ giáo viên, tăng cường vai trò của doanh nghiệp
 
    Bên cạnh đó, có các giải pháp đối với cơ sở đào tạo nghề theo hướng sáp nhập các cơ sở (Trung tâm giáo dục hướng nghiệp và Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề) với vai trò chủ động của địa phương; nâng cao chất lượng chương trình đào tạo nghề nghiệp, xác định nguyên tắc đào tạo theo nhu cầu và hướng tới đào tạo có địa chỉ, tăng cường đào tạo theo đặt hàng; tạo cơ hội việc làm cho người học; thực hiện chính sách ưu đãi tối đa cho học sinh học nghề, học trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), có dự báo về nhu cầu xã hội trong đào tạo nghề, từ đó tăng quy mô và có cơ cấu hợp lý.

Phân luồng học sinh sau THCS, THPT sẽ tiết kiệm chi phí cho xã hội

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong 2 năm học 2006-2007 và 2007-2008, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học THPT tương ứng là 69% và 70,7%. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp vào học trong các cơ sở dạy nghề và TCCN rất thấp. Cụ thể, năm học 2007-2008, tỷ lệ vào học nghề chỉ chiếm 2,5%, học TCCN 1,8%.). Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS không tiếp tục học trong 2 năm học 2006-2007, 2007-2008 tương ứng là 19,1% và 17,5%. Trong thực tế, học sinh tốt nghiệp THPT thường tham dự thi ĐH, CĐ và nếu không đỗ những trường này mới chuyển sang học nghề, học TCCN. Hằng năm, có gần 400.000 học sinh tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp THPT, trượt tốt nghiệp THPT không vào học ở các cơ sở đào tạo nghề.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Trong đó, nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân, nhà trường và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, hệ thống thông tin thị trường lao động nghèo nàn. Ngoài ra, còn có những yếu kém trong công tác giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; quy mô và điều kiện của các cơ sở dạy nghề và TCCN chưa đáp ứng được nhu cầu phân luồng của học sinh; chương trình đào tạo và khả năng liên thông từ TCCN lên ĐH và CĐ còn hạn chế…

Phân luồng tốt sẽ tiết kiệm chi phí cho xã hội

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, việc thực hiện hiệu quả phân luồng sau THCS, THPT sẽ có nhiều lợi ích, nhất là giảm được gánh nặng, chi phí cho xã hội. Ông Quách Tấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Sự tồn tại và phát triển của rất nhiều làng nghề trong cả nước hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT có thể lao động, làm việc ngay trong gia đình hoặc tại địa phương. Điều này góp phần tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho xã hội.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau THCS, THPT sẽ có hiệu quả rất lớn đối với xã hội. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần thống nhất hệ thống giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ LĐ-TB&XH, tránh sự phân định TCCN và trung cấp nghề; đồng thời, phải xây dựng chương trình cụ thể để phát triển giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh. Trong đó, chú trọng thành lập các trung tâm dự báo nguồn nhân lực để định hướng phát triển các trường, ngành nghề đáp ứng nhu cầu xã hội; thành lập ban chỉ đạo hướng nghiệp phân luồng phát triển giáo dục chuyên nghiệp các cấp.

Trên cơ sở đóng góp ý kiến của các đại biểu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra các phương hướng, giải pháp. Theo đó, từ năm 2010 đến 2020 phải thu hút được 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN và học nghề; tiếp tục tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của xã hội đối với học nghề; đổi mới công tác giáo dục và tư vấn hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông; thể hiện cụ thể ở việc đào tạo và tuyển dụng cán bộ; đổi mới chương trình, phát triển mô hình dạy chữ, dạy nghề kết hợp; đầu tư mở rộng quy mô các cơ sở dạy nghề, TCCN ở những vùng còn gặp nhiều khó khăn; tái cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân để tạo ra con đường và cơ hội học suốt đời cho người dân.

Phương Chi

;
.
.
.
.
.