.

Rộn ràng ngày khai trường

.

Sáng ngày 5-9, gần 200 nghìn học sinh trên địa bàn thành phố nô nức trong ngày khai giảng năm học mới 2009-2010 và “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”. Khác với những ngày mưa như trút nước trước đó, buổi sáng diễn ra lễ khai giảng, ở nhiều trường thời tiết khá đẹp, thuận tiện cho buổi lễ tổ chức ngoài trời.

Tiết mục văn nghệ chào mừng năm học mới của học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh.

Mới hơn 6 giờ sáng ngày 5-9, ở các trường học trên địa bàn thành phố, không khí ngày khai trường đã rộn ràng hẳn lên. Từng tốp học sinh ăn mặc chỉnh tề, cùng nhau bước vào cổng trường chuẩn bị cho giờ khai giảng năm học mới. Trên gương mặt các em tràn ngập niềm vui, hạnh phúc. Trên các sân trường, cờ hoa lộng lẫy cùng lời bài hát “Ngày đầu tiên đi học”  của các em học sinh vang lên, tạo ra không khí vui nhộn và long trọng của ngày khai trường.

Đây là năm đầu tiên, em Trần Thị Thanh Duyên (11 tuổi), dân tộc Cơtu, ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc (Hòa Vang) chia tay ngôi trường tiểu học thân yêu của mình để vào học lớp 6/1 Trường THCS Nguyễn Tri Phương. Duyên kể, mới 6 giờ sáng, em và các bạn trong khu nội trú học sinh dân tộc đã lục đục thức dậy để chuẩn bị đến trường làm lễ khai giảng, mọi người đều vui tươi, phấn khởi.

Nghe tiếng trống trường, các em ai cũng hồi hộp, thấy ngày khai giảng ấm áp, gần gũi quá, vì ở trường em có cả học sinh người Kinh, các bạn rất quan tâm,  giúp đỡ các em người dân tộc Cơtu. Em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ công ơn của cha mẹ, thầy cô và sự giúp đỡ của bạn bè. Được đến trường như thế này em thấy vui lắm. 

Tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Liên Chiểu), từ sáng sớm, các em học sinh đã có mặt đông đủ ở sân trường chuẩn bị cho lễ khai giảng. Trước  lễ chào cờ và hát Quốc ca, nhiều tiết mục văn nghệ và những tràng vỗ tay cổ vũ của học sinh vang lên đã làm cho không khí sân trường nhộn nhịp, vui tươi.

Lễ khai giảng năm học mới được xem là thời khắc thiêng liêng của thầy, cô giáo và học sinh. Bởi lẽ, đây là sự khởi đầu cho một năm học mới, cũng là dịp để thầy và trò hứa với nhau, hứa với toàn xã hội quyết tâm nỗ  lực “dạy tốt, học tốt”, với bao kỳ vọng về thành quả tốt đẹp của năm học. Phát biểu cảm nghĩ của mình trong buổi lễ thiêng liêng này, em Trần Ngọc Bích Thảo, học lớp 6/1 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm nói:
 

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục-Đào tạo, trong năm học này, toàn thành phố có 190.039 học sinh (11.334 học sinh bổ túc, 28.483 học sinh THPT, 53.168 học sinh THCS, 60.211 học sinh tiểu học và 36.843 học sinh mầm non) theo học.

Với chủ đề năm học “Đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục”, Sở Giáo dục-Đào tạo đã triển khai thực hiện trong toàn ngành 8 nhiệm vụ trọng tâm như sau:
 
Tiếp tục gắn kết và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Hai không”, “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; đổi mới quản lý giáo dục; triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục; tiếp tục phát triển mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục và đổi mới công tác quản lý tài chính; chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng, phát triển giáo dục-đào tạo thành phố đến năm 2020; thực hiện các nhiệm vụ đặc thù của các cấp học.

“Năm học 2009-2010 là cột mốc tiếp theo đánh dấu chặng đường học tập và rèn luyện của chúng em. Được học tập trong môi trường mới, chúng em sẽ ra sức nỗ lực để đạt thành tích cao trong học tập, sau này trở thành người sống có ích cho gia đình và xã hội…”. Cũng với ý chí, quyết tâm như thế, em Phạm Nguyễn Ca Dao, học sinh lớp 10C1 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn khẳng định: Bản thân em sẽ nỗ lực hết mình để đạt thành tích cao trong học tập, xứng đáng là học sinh của ngôi trường chất lượng cao của thành phố, góp phần đưa tên tuổi của nhà trường đi xa hơn nữa với bạn bè trong nước và quốc tế…

Ông Lại Tấn Nghị, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, với chủ đề của năm học 2009-2010 là “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, Ban giám hiệu nhà trường đã đề ra các giải pháp quyết liệt nhằm hoàn thành tốt mục tiêu của năm học.

Theo đó, ngay từ đầu năm học, nhà trường triển khai các biện pháp đổi mới công tác quản lý từ Ban giám hiệu đến giáo viên, trong đó chú trọng nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với việc giáo dục, quản lý học sinh; giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng triệt để thiết bị dạy học trong mỗi tiết học, nhằm hạn chế tình trạng dạy-học theo kiểu “đọc-chép”, khơi dậy tinh thần sáng tạo, chủ động, tự học của học sinh. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, Ban giám hiệu sẽ tăng cường dự giờ ở các lớp học; đồng thời, triển khai việc đánh giá giáo viên thông qua đồng nghiệp và học sinh. Nếu phát hiện giáo viên nào năng lực hạn chế thì bố trí công việc khác chứ không để tiếp tục đứng lớp.

Ông Vĩ Sách, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Thanh Khê cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học và hạn chế tình trạng “đọc-chép”, phòng đã chỉ đạo các trường trên địa bàn tích cực phân loại học sinh ngay từ đầu năm học, qua đó, có biện pháp kịp thời bồi dưỡng học sinh yếu, kém. Đồng thời, các trường thường xuyên tổ chức sinh hoạt tổ, nhóm để giáo viên bộ môn trao đổi kinh nghiệm dạy học, tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý. Giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm và bồi dưỡng phương pháp học tập để các em hình thành thói quen tự học.

Với những quyết tâm, nỗ lực của thầy và trò ngành Giáo dục-đào tạo, hy vọng chất lượng dạy và học ở năm học mới 2009-2010 sẽ đạt được những thành tích rực rỡ hơn nữa.

N.ĐOAN

Sáng ngày 5-9, hòa chung không khí Ngày hội khai trường của cả nước, gần 150 em học sinh khuyết tật của Trường Chuyên biệt Tương Lai cũng được ba mẹ đưa đến trường dự lễ khai giảng năm học mới.

Năm học 2008-2009, trường có 112 học sinh đạt loại khá và giỏi, chiếm tỷ lệ 87,5%. Bước vào năm học 2009-2010, thầy và trò Trường Chuyên biệt Tương Lai quyết tâm thực hiện tốt việc duy trì sĩ số học sinh và nâng cao chất lượng dạy và học, chăm lo đến sức khỏe và tăng cường giáo dục kỹ năng tự lập cho học sinh; giới thiệu học sinh có tiến bộ và đủ điều kiện ra các lớp học hòa nhập; tiếp tục cải tiến, đổi mới phương pháp dạy trẻ khiếm thính và chậm phát triển; làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ khuyết tật được học tập…

(HOÀNG HIỆP)

;
.
.
.
.
.