Tìm sách cũ...
Dọc con đường trung tâm xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) có hàng chục điểm thu mua phế liệu. Mỗi khi kết thúc năm học, sách vở cũ lại được bán phế liệu. Chị Lê Thị Vân, chủ một điểm mua bán phế liệu cho biết: “Sách cũ mua vào đủ loại, lớp nào cũng có, mỗi tuần chị thu vô - bán ra gần chục bộ sách. Có sách bán lại cho học sinh.
Mua bán sách cũ ở chợ Lệ Sơn. |
Các quầy sách tại chợ Lệ Trạch (thôn Lệ Sơn, Hòa Tiến) luôn nhộn nhịp. Nhiều người đến đây mua - bán sách cũ. Có người đổi sách cũ lấy sách mới hoặc đổi sách cũ lấy sách cũ. Chị Trần Thị Bích (trú tại thôn An Trạch, xã Hòa Tiến) cho biết: Con chị năm nay lên lớp 12, mỗi năm học xong, chị đem bộ sách đã học rồi lên đây đổi lấy bộ sách mới, bù thêm một nửa giá tiền sách mới. Nếu đổi lấy bộ sách cũ, không phải thêm tiền.
Mỗi bộ sách cũ chỉ bán một nửa giá sách mới. Bộ SGK cũ lớp 11 giá 100 ngàn đồng, lớp 12 giá 140 ngàn đồng so với giá sách mới mỗi bộ trên 200 ngàn đồng. Chị Hiếu, chủ một quầy bán sách nói rằng sách cũ các lớp tiểu học, THCS không bán được, vì bộ sách giáo khoa mới giá không cao, nhiều người có thể mua được. Sách cũ lớp 10, 11, 12 bán rất chạy, mua bao nhiêu bộ bán cũng hết.
Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ các xã trên địa bàn huyện cũng vận động quyên góp sách cũ để tặng con em hội viên gặp khó khăn. Chị Lê Thị Kim Phượng, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Tiến cho biết: Đến nay, Hội đã thu gom và phân phát gần 100 bộ sách giáo khoa cũ các cấp, gần 100 cuốn vở ủng hộ con em hội viên các chi hội. Đây là hoạt động thường xuyên của Hội Phụ nữ xã.
... Chắp cánh ước mơ
Nhiều học sinh ở nông thôn tìm kiếm sách học thông qua những điểm mua bán phế liệu, những quầy sách cũ. Có khi chỉ thu thập một lúc là đủ bộ sách, nhưng đôi khi phải tìm kiếm công phu vài ngày mới có. Nhiều em tìm kiếm ở quầy phế liệu đủ bộ sách giáo khoa THPT với giá chưa đến 20 nghìn đồng. Em Nguyễn Thị Thọ, học sinh lớp 12, Trường THPT Phan Thành Tài đã học sách cũ từ nhiều năm nay.
Sau mỗi năm học, em đem sách học rồi lên bán lại hoặc cũng có lúc đổi cho quầy sách cũ. Năm nào em cũng “nhặt” sách ở các cửa hàng phế liệu. Em Thọ tâm sự: “Có sách mới học cũng thích, nhưng nhà mình nghèo, không nhất thiết phải mua bằng được sách mới. Ở những quầy sách cũ, điểm mua bán phế liệu cũng có nhiều cuốn sách tham khảo, sách nâng cao có giá trị, em đã tìm được rất nhiều sách phục vụ cho việc học của mình”.
Tuy nhiên, người đi “săn” sách cũ may mắn không nằm trong diện học sách cải cách, sách thí điểm. Chị Lê Thị Thu (xã Hòa Châu) thuộc diện gia đình khó khăn, có 4 đứa con đi học. Theo chị, con của chị từ khi đi học đến giờ, chưa đứa nào có cơ hội học bộ sách giáo khoa mới, toàn bộ đều trao đổi, mua sách cũ bằng nhiều cách. Giá 4 bộ sách cũ bằng 1 bộ sách mới. “Vợ chồng chị làm nông lại đông con, phải biết tận dụng, nhờ vậy mới có tiền cho các con ăn học”, chị tâm sự.
Bài và ảnh: HỒNG PHƯỚC