Sau khi công bố điểm thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2009, Đại học Đà Nẵng cũng đã dự kiến điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành Bác sĩ đa khoa (học 6 năm) của Khoa Y Dược là 23 điểm với 54/1.112 thí sinh và ngành Dược sĩ đại học (học 5 năm) là 24,5 điểm với 55/1.649 thí sinh (dôi dư so với chỉ tiêu tuyển sinh là 9 thí sinh, mỗi ngành tuyển sinh 50 chỉ tiêu). Nhiều thí sinh căn cứ vào thống kê điểm thi và chỉ tiêu tuyển sinh đã vui mừng bởi tin rằng mình chắc chắn đỗ và Đại học Đà Nẵng cũng đã không thông báo tuyển sinh nguyện vọng 2 đối với hai ngành này.
Đơn vị liên kết đào tạo thay đổi phương án tuyển sinh
Tuy nhiên, mãi tới ngày 26-8 (gần 1 tháng sau ngày công bố điểm tuyển sinh), Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh mới có công văn số 1350 cho rằng: “Điểm trúng tuyển đại học chính quy liên kết đào tạo giữa Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng được xác định giống như điểm thí sinh trúng tuyển vào Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh”.
Theo đó, điểm trúng tuyển đối với học sinh phổ thông khu vực 3 (mức chênh lệch giữa 2 nhóm đối tượng liền kề là 1,0 điểm, giữa 2 khu vực liền kề là 0,5 điểm) đối với ngành Bác sĩ đa khoa đào tạo bằng ngân sách Nhà nước là 25,0 điểm, ngành Dược sĩ đại học là 25,5 điểm và điểm trúng tuyển chỉ tiêu hợp đồng theo địa chỉ sử dụng (chỉ tiêu ngoài ngân sách Nhà nước) của cả hai ngành là 24,0 điểm.
Công văn này cũng nêu rõ: “Đối với thí sinh thi vào Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và trúng tuyển chỉ tiêu ngoài ngân sách Nhà nước, trường tạm thu 12 triệu đồng/năm do địa phương chi trả theo hợp đồng. Đối với thí sinh thi tại Đại học Đà Nẵng và trúng tuyển chỉ tiêu hợp đồng theo địa chỉ sử dụng, đề nghị Đại học Đà Nẵng xin ý kiến Bộ Giáo dục và Đào tạo về mức thu học phí để tiến hành hợp đồng đào tạo với các địa phương”.
Như vậy, nếu căn cứ theo công văn này, thì Khoa Y Dược của Đại học Đà Nẵng chỉ có 55/109 thí sinh trúng tuyển, trong đó có 19 thí sinh trúng tuyển vào ngành Bác sĩ đa khoa và 36 thí sinh trúng tuyển vào ngành Dược sĩ đại học. 54 thí sinh còn lại từ chỗ vui mừng được trúng tuyển nay lại bị trượt! Được biết, ở mùa tuyển sinh năm 2007 và 2008, điểm trúng tuyển vào Khoa Y Dược do Đại học Đà Nẵng đề nghị (thấp hơn điểm chuẩn vào Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh khoảng 1-1,5 điểm) và lấy đủ chỉ tiêu đào tạo, không tuyển thêm nguyện vọng 2.
Chờ ý kiến của Bộ và phản hồi từ đơn vị liên kết
Ngày 3-9, Đại học Đà Nẵng đã có Công văn số 2723 gửi Bộ Giáo dục-Đào tạo và Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đề xuất các phương án xử lý. Phương án 1, do điều kiện kinh tế-xã hội khu vực miền Trung-Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, Đại học Đà Nẵng xét thấy khó có thể tuyển sinh các chỉ tiêu ngoài ngân sách Nhà nước với mức học phí 12 triệu đồng/năm như Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đề nghị, nên đề nghị Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh hạ điểm trúng tuyển vào Khoa Y Dược với mức điểm mà Đại học Đà Nẵng đã xác định để có thể tuyển đủ 100 chỉ tiêu.
Phương án 2, nếu không thể hạ điểm chuẩn, Đại học Đà Nẵng đề nghị Bộ Giáo dục-Đào tạo cho phép tạm thu học phí 12 triệu đồng/năm để tuyển sinh đào tạo theo yêu cầu đối với các thí sinh có kết quả thi vào Khoa Y Dược đạt từ 24 điểm trở lên như Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị.
Phương án 3, nếu cả hai phương án trên đều không được chấp thuận, sau khi sinh viên khóa mới hoàn tất thủ tục nhập học, Khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng sẽ gửi ngay 19 sinh viên ngành Bác sĩ đa khoa vào TP. Hồ Chí Minh để được đào tạo ngay từ đầu; cho phép Đại học Đà Nẵng tiếp tục xét tuyển nguyện vọng 3 ngành Dược sĩ đại học cho đủ chỉ tiêu với điểm nhận đơn xét tuyển từ 25,5 điểm trở lên.
Theo chúng tôi, ngoài phương án 1, cả hai phương án còn lại đều rất vất vả cho thí sinh, phụ huynh và Khoa Y Dược - Đại học Đà Nẵng, có thể sẽ chẳng có thí sinh nào nộp đơn đăng ký nguyện vọng 3. GS.TSKH Bùi Văn Ga - Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho hay: “Bộ Giáo dục-Đào tạo sẽ có ý kiến và Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ có ý kiến phản hồi ngay trong tuần này”.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP