.
Thị trường sách tham khảo:

Bao giờ chấm dứt tình trạng trôi nổi về chất lượng?

Nắm bắt được nhu cầu ngày càng cao về các loại sách tham khảo (STK) của học sinh (HS) hiện nay, nhiều nhà xuất bản (NXB) từ trung ương đến địa phương xem việc xuất bản STK là “mảnh đất màu mỡ”, mang lại lợi nhuận cao. Đây là một trong những lý do khiến thị trường STK phát triển sôi động trong thời gian qua, thể hiện ở sự đa dạng, phong phú về các loại STK.

Đã qua rồi thời kỳ STK xuất bản kiểu “nhỏ giọt”, chủ yếu đáp ứng nhu cầu của các lớp HS cuối cấp nhằm ôn luyện, nâng cao kiến thức, hỗ trợ, bồi dưỡng HS giỏi. Hiện nay, STK có đủ ở tất cả các bậc, cấp học, từ tiểu học đến cao đẳng, đại học và sau đại học. Ngay cả đối với HS lớp 1 cũng có hàng loạt các đầu STK, thỏa sức lựa chọn: “Giải Toán lớp 1”; “Bài tập Toán nâng cao lớp 1”; “Toán chọn lọc lớp 1”; “Em học Tiếng Việt lớp 1”; “Luyện chữ lớp 1”… Qua tìm hiểu ở một số nhà sách có quy mô, không khó để nhận thấy STK bạt ngàn trên các giá sách với đầy đủ chủng loại, kiểu dáng, được trình bày bìa khá bắt mắt.
 
Trong khi, sách giáo khoa chỉ chiếm một khoảng không gian khiêm tốn. Một điều dễ nhận thấy về các đầu STK ở các nhà sách là: càng lên các lớp cao, số lượng các đầu STK càng nhiều, nhất là đối với các lớp cuối cấp học. Chẳng hạn: môn Toán lớp 5 có 14 đầu sách, môn Ngữ văn lớp 9 có 24 đầu sách, môn Toán lớp 12 có 19 cuốn, môn tiếng Anh lớp 12 có 21 cuốn. Nhiều hơn cả là các chủng loại sách: “Để học tốt”, “Giải bài tập”, “Các bài văn mẫu”.

Trong thời gian qua, khi Bộ GD&ĐT chủ trương thi trắc nghiệm đối với môn Ngoại ngữ và một số môn tự nhiên, đã xuất hiện tình trạng “ăn theo” của nhiều NXB. Rất nhiều đầu STK cho từng môn thi trắc nghiệm được các NXB tung ra thị trường với lời “quảng cáo” trong phần giới thiệu là: “Thiết thực đối với HS trong việc rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm”. Ngay cả đối với các môn khoa học xã hội như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý là những môn học mà Bộ GD&ĐT chưa có chủ trương thực hiện thi trắc nghiệm trong những kỳ thi quan trọng, số lượng các đầu sách phục vụ cho thi trắc nghiệm cũng không phải là nhỏ.

Mặc dù đa dạng, phong phú về chủng loại song chất lượng STK hiện nay đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Nhiều đầu STK “đội lốt” dưới các tên gọi khá “kêu” như: “Để học tốt”, “Rèn luyện kỹ năng giải bài tập”… thực chất là lấy bài tập, đề bài, các câu hỏi phần hướng dẫn học bài, phần luyện tập trong sách giáo khoa để giải mà không có phần hướng dẫn hay gợi ý để HS tự làm bài. Hiện tượng các loại STK có nội dung na ná giống nhau do cùng một hoặc một nhóm tác giả biên soạn được các NXB khác nhau phát hành không phải là hiếm.

Trong số các loại STK, STK môn Ngữ văn chiếm số lượng lớn các đầu sách, nhiều hơn cả vẫn là sách giới thiệu các bài văn mẫu, các bài văn chọn lọc. Trong những loại sách kiểu này, rất hiếm có những cuốn sách có kèm câu hỏi, lời bình luận, nhận xét hay gợi ý, định hướng để HS rút ra thu hoạch từ đó mà biết cách viết những bài văn của riêng mình.

Và vì thế, nhiều HS tìm mua những cuốn sách tuyển chọn các bài văn mẫu chỉ để làm “phao”, làm tài liệu quay cóp khi gặp những đề văn tương tự. Điều này vô hình trung đã góp phần gia tăng sức ì, tạo tâm thế ỷ lại vào tài liệu trong thi và kiểm tra môn Ngữ văn của HS. Các cuốn STK phục vụ cho các môn thi sử dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan hiện nay cũng đang “có vấn đề”. Trong một số cuốn, nhiều câu hỏi chỉ nhằm tái hiện những kiến thức tủn mủn, vụn vặt, thiếu trọng tâm.

Qua thực tiễn cho thấy, đối với những HS có học lực trung bình khá trở lên, nếu biết sử dụng đúng phương pháp và nhất là biết lựa chọn những cuốn phù hợp, có chất lượng, STK sẽ giúp các em củng cố, nâng cao “nền” kiến thức. Nhưng đối với HS có học lực trung bình hay yếu kém lại không có phương pháp sử dụng, STK hầu như không phát huy tác dụng, thậm chí còn phản tác dụng. Bởi, khi HS lệ thuộc quá nhiều vào STK, nhất là các cuốn sách “Giải bài tập” tất yếu sẽ dẫn đến việc các em không nắm được kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, nghiêm trọng hơn, có thể gây tâm lý chán nản, mất phương hướng, hứng thú trong học tập.

Nên chăng, trong điều kiện “loạn” STK hiện nay, nhà trường và các bậc phụ huynh cần có những tư vấn cần thiết cho HS trong việc tìm mua STK. Cần chọn STK của những NXB có uy tín. Điều quan trọng là mỗi HS cần căn cứ vào lực học của bản thân để lựa chọn những cuốn STK phù hợp và nhất là phải biết sử dụng đúng phương pháp, tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.

MINH TUẤN

;
.
.
.
.
.