Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 10-8-2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố đã tổ chức triển khai thực hiện và đem lại những kết quả khả quan, đặc biệt là việc vận động học sinh bỏ học trở lại lớp.
Không chỉ có vận động học sinh trở lại trường, BĐBP thành phố đã nỗ lực hết mình trong công tác dạy, xóa mù chữ cho những người ở ngoài độ tuổi quy định. (Ảnh tư liệu) |
Theo thống kê năm học 2009-2010, BĐBP trực tiếp vận động 23 học sinh bỏ học trở lại lớp; đồng thời phối hợp cùng các đoàn thể trên địa bàn vận động 46 học sinh khác bỏ học trở lại trường. Qua tìm hiểu cho thấy, việc học sinh bỏ học có nhiều nguyên nhân, trong đó tập trung chủ yếu ở những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện cho con đến trường; học sinh có học lực kém; một số trường hợp thiếu sự quan tâm của các bậc phụ huynh dẫn đến hư hỏng, hỏ học.
“Dù học lực kém, mình có thể kiên trì vận động các em trở lại lớp, nhưng những trường hợp gia đình không quan tâm đến việc học hành của con cái thì rất khó để vận động các em trở lại”, Thiếu tá Hồ Bách Chiến – cán bộ trợ lý vận động quần chúng, BĐBP thành phố tâm sự. Anh Chiến cho hay, nhiều CBCS đi vận động, khi đến gia đình thì gặp phải thái độ không hợp tác, lạnh nhạt, tránh mặt và từ chối, không tiếp đón.
Tuy nhiên, xác định trách nhiệm của mình nên anh em hết sức kiên trì, mềm mỏng với phương châm: hôm nay không được thì hôm khác, đến khi nào họ chịu thì mới thôi. Tuy nhiên, đa số những gia đình như thế thì cha mẹ thường sa vào những tệ nạn như rượu chè, cờ bạc; nhiều gia đình vợ chồng ly dị nhau… Vì vậy, dù tích cực nhưng số lượng học sinh được vận động đến trường còn rất ít so với thực tế số lượng học sinh bỏ học.
Điều làm cho CBCS BĐBP trăn trở là khi đã vận động được học sinh bỏ học trở lại trường, có một số trường hợp không được nhà trường thu nhận bởi lẽ đã quá chương trình học. Hơn nữa, nhiều thầy cô cũng không muốn nhận những học sinh này trở lại lớp, sợ ảnh hưởng đến thành tích của lớp mình. Nếu có cũng chỉ cho học có lệ. Điều này làm hạn chế rất nhiều đến chất lượng học tập của các em. Vì vậy, không ít học sinh chán nản, lại bỏ học.
Bên cạnh việc vận động những học sinh đã bỏ học, việc ngăn ngừa, phát hiện những học sinh có nguy cơ bỏ học ngay khi còn ngồi ở lớp cũng được các CBCS quan tâm. Anh em chiến sĩ đi tìm hiểu thực tế hoàn cảnh gia đình của từng em, qua đó giúp đỡ kịp thời về vật chất để các em yên tâm học tập. Nhờ đó, hàng chục trường hợp có nguy cơ bỏ học đã ổn định tư tưởng học tập tiếp.
Chúng tôi tìm đến Đồn Biên phòng 252. Tại đây, các anh lãnh đạo đơn vị cho biết, tính đến ngày 8-9, trên địa bàn biên phòng mình phụ trách có 109 học sinh bỏ học. Qua sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị với chính quyền địa phương, đến nay đã vận động được 21 em trở lại trường. Sau khi vận động các em trở lại trường, Đồn Biên phòng 252 còn hỗ trợ vật chất để giúp một số trường hợp khó khăn.
Cụ thể, em Huỳnh Tấn Công, học sinh Trường THCS Phạm Ngọc Thạch do không có tiền tiếp tục đi học nên đành phải bỏ học dở chừng; đơn vị đã làm việc với Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp quận Sơn Trà nhận em vào học và miễn 100% học phí. Ngoài ra, đơn vị hỗ trợ 500 nghìn đồng và toàn bộ sách vở, bút viết cho em.
Đối với trường hợp em Trương Thị Sen, học sinh Trường THCS Phạm Ngọc Thạch, sau khi động viên em trở lại trường, để giúp em có điều kiện học tập, đơn vị đã hỗ trợ cho em 500 nghìn đồng và mua toàn bộ sách vở, đồ dùng học tập cho em… Nhờ sự tích cực của các CBCS BĐBP trên toàn địa bàn thành phố Đà Nẵng, nhiều em đã ý thức được việc học của mình và trở lại trường học tập.
Thượng tá Nguyễn Văn Bao cho biết: Trên thực tế, số học sinh bỏ học chưa trở lại trường vẫn còn nhiều và đây là điều mà CBCS BĐBP thành phố trăn trở, lo lắng nhất. Vì vậy, chúng tôi rất cần có sự hỗ trợ từ phía chính quyền và các đoàn thể ở địa phương.
TRƯỜNG SƠN