.

Căng-tin trường học, ngoài tầm kiểm soát?

.

Ông Thái Văn Hân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết: Cho các trường mở căng-tin là để giải quyết nhu cầu ăn uống của học sinh, hạn chế tình trạng các em sử dụng hàng quán bên ngoài không bảo đảm chất lượng. Theo ông Hân, giao quyền quản lý căng-tin cho ban giám hiệu nhà trường là nhằm trao trách nhiệm cho trường về việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Thực tế, các trường có kham nổi việc kiểm soát chất lượng thực phẩm ở căng-tin trong phạm vi quản lý của mình?

Nơi nào cũng khẳng định: quản lý rất chặt

“Sửa soạn bán cho học sinh gần tan học nên mới để rứa, chớ mấy bữa đều có đồ che”.    Ảnh: THU HOA

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, nhiều nhà quản lý trường học đã khẳng định về chất lượng cũng như các cam kết chặt chẽ giữa trường và những người kinh doanh căng-tin. Hầu hết các trường đều cho biết, nhà trường hạn chế tối đa việc buôn bán thức ăn tươi, chủ yếu cho bán thức ăn khô, có bao bì, nhãn mác rõ ràng. Bản thân người bán cũng được tập huấn về ATVSTP.

Cô Võ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Công đoàn Trường tiểu học Lê Lai cho biết: Mỗi đầu năm học, trường đều ký cam kết với người kinh doanh căng-tin về bảo đảm đúng các tiêu chuẩn VSATTP, vì trường có các lớp bán trú, không thể để ngộ độc xảy ra. Thức ăn tự chế biến đều được lưu mẫu, để khi có sự cố (như ngộ độc, bội thực) trường sẽ biết được nguyên nhân từ đâu. Hằng năm, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đều kiểm tra đột xuất 1-2 lần. Mỗi giáo viên chủ nhiệm đồng thời là một giám sát viên để nắm bắt tình hình vệ sinh thực phẩm trong lớp mình.

Ông Nguyễn Văn Ân, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ khẳng định: Nếu học sinh bị ngộ độc thì Hiệu trưởng là người đầu tiên chịu trách nhiệm. Do đó, chúng tôi luôn chú trọng việc bảo đảm ATVSTP tại căng-tin. Hầu hết sản phẩm được bán trong trường là thức ăn khô, có nhãn mác rõ ràng, nếu có đồ tươi cũng đã được nấu chín, nóng hổi. Theo ông Ân, ban đầu, việc kiểm tra căng-tin có đôi chút vất vả vì phải làm chặt, làm kỹ. Nhưng nhờ vậy, những lần sau, người bán sẽ tự biết những yêu cầu khắt khe của nhà trường để thực hiện đúng quy định.

Hàng không nguồn gốc, cáu bẩn: không thiếu!

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi ở căng-tin nhiều trường THCS, THPT, chất lượng thức ăn, không gian căng-tin và trang phục của người bán không theo chuẩn nào cả.

Tại một trường THCS, căng-tin nằm gần ngay khu nhà vệ sinh, người bán mặc đồ bộ, chế biến thức ăn không có bao tay. Các loại cá viên chiên được bày ra, không hề có vật dụng (nilong) che chắn, thỉnh thoảng có vài con ruồi “ghé thăm”, và được người bán giải thích: “Sửa soạn bán cho học sinh gần tan học nên mới để rứa, chớ mấy bữa đều có đồ che”.

Tại một trường tiểu học, bánh mì tuy có tên nhà sản xuất nhưng hạn sử dụng thì để trống. Người bán cho biết, đây là hàng mới, không chỉ học trò mà thầy cô cũng dùng. Tuy nhiên, người này chỉ cười khi được hỏi về hạn sử dụng sản phẩm. Những loại nước ngọt xanh, đỏ, bánh kẹo đủ màu sắc, không xuất xứ, có nổi nhiều vết cáu bẩn vẫn được bày bán trong căng-tin này. Giáo viên ở trường này cho hay: “Chúng tôi giám sát rất kỹ từng món hàng trong căng-tin, nhưng việc có sản phẩm như phóng viên nêu thì để nhà trường kiểm tra lại”.

Việc quản lý căng-tin ở nhiều nơi, theo đánh giá của chúng tôi là ngoài tầm tay của các trường học. Một số nơi thừa nhận, nếu để một mình trường chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng căng-tin thì hơi quá sức. Ông Nguyễn Chiếu, Hiệu trưởng Trường THPT tư thục Diên Hồng cho biết: “Chúng tôi không thể lật từng lon nước để kiểm tra hạn dùng.
 
Cái cần thiết nhất vẫn là lương tâm nhà sản xuất và người bán hàng, không bán hàng kém chất lượng và quá hạn sử dụng. Những nhà quản lý VSATTP phải thường xuyên phối hợp với chúng tôi kiểm tra chất lượng căng-tin”.

Ông Chiếu dẫn chứng, nhiều khi bánh mua ở căng-tin không ăn được, nhưng nhãn sản phẩm vẫn thể hiện đúng các quy định về nguồn gốc, hạn dùng... “Đó là do các cơ quan có trách nhiệm không kiểm tra kỹ, vẫn cho lưu hành sản phẩm thì biết làm sao”, ông Chiếu nói.Phó hiệu trưởng một trường THCS chia sẻ: “Chất lượng, vệ sinh phụ thuộc lương tâm người bán, mình cũng kiểm tra tới đó thôi…”.

THU HOA-HẰNG VANG

;
.
.
.
.
.