.
Đại học địa phương

Nỗi lo về chất lượng!

Đến thời điểm này, hầu hết các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đã công bố điểm chuẩn. Có thể khẳng định một điều, điểm chuẩn các trường ĐH vùng rất thấp, chỉ ngang với điểm sàn của Bộ, ở mức 13-15 điểm - tức là chỉ ở mức trung bình và chưa đạt trung bình. Điều đó khiến dư luận xã hội rất lo lắng cho chất lượng đào tạo của các trường ĐH địa phương, bởi “có bột mới gột nên hồ”, trong khi chất lượng đầu vào quá thấp.

Chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ gắn liền với đội ngũ giảng viên. Việc các trường ĐH, CĐ “mọc như nấm sau mưa” chắc chắn sẽ thiếu giảng viên. Những trường mới mở sau này đều thiếu hụt giảng viên, thậm chí có nhiều trường thiếu một cách trầm trọng. Và để lách quy định của Bộ GD-ĐT, nhiều trường kê khống số lượng giảng viên của trường lên đến hàng chục lần. Có giảng viên có tên trong danh sách của 4 trường đại học, dù thực chất họ chỉ là thỉnh giảng. Thật nghịch lý, không như ở bậc phổ thông, trọng trách của một giảng viên ĐH rất lớn.

Họ không chỉ giảng bài, càng không phải giảng theo kiểu “thầy đọc, trò chép” mà phải luôn tiếp cận với kiến thức mới để cập nhật vào bài giảng và sử dụng phương pháp giảng dạy mới. Điều đó yêu cầu một giảng viên ĐH thực sự phải là một chuyên gia về một chuyên ngành nhất định. Chức năng này chỉ có thể hình thành qua thực tiễn nghiên cứu. 

Giảng viên ĐH bắt buộc phải tham gia công việc nghiên cứu khoa học, hoặc vận dụng những kiến thức mới mẻ vào hoạt động thực tiễn, đồng thời có nhiệm vụ hướng dẫn, tổ chức sinh viên trong những hoạt động như vậy, xem đó là một trong những nhiệm vụ chính của mình. Thế nhưng, hiện nay nhiều giảng viên “chạy sô” như thế thì nhất định chất lượng sẽ hạn chế.

Về điều này, có một vị Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận: “Do giảng viên lên lớp quá nhiều giờ, không có thời gian đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, bài giảng… nên chất lượng đào tạo rất hạn chế”. Ngoài ra, để đủ số lượng giảng viên, nhiều trường đã tuyển ồ ạt những sinh viên vừa mới tốt nghiệp ĐH và cho đứng lớp, dẫn đến tình trạng “cơm chấm cơm”. Chất lượng đầu vào thấp như thế, cộng thêm đội ngũ giảng viên vừa thiếu lại vừa yếu, và cơ sở vật chất sơ sài thì chất lượng đào tạo sẽ là điều rất đáng lo ngại.

Trước sự băn khoăn đó của dư luận, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Từ năm 2010, tất cả các trường ĐH đều sẽ phải kiểm định chất lượng”. Thiết nghĩ, chỉ có kiểm định chất lượng mới giúp các trường ĐH định hướng và xác định chuẩn chất lượng nhất định. Kiểm định chất lượng, tạo ra cơ chế bảo đảm chất lượng vừa linh hoạt, vừa chặt chẽ.

PHẠM ĐƯỢC

;
.
.
.
.
.