.

Điều chỉnh bàn ghế phù hợp với học sinh tiểu học

.

Hiện nay ở cấp tiểu học (TH), bàn ghế dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đều cùng kích thước, chiều cao như nhau. Trong khi đó, thể trạng của học sinh lớp 1 và học sinh lớp 5 có sự chênh lệch rất lớn. Và không còn cách nào khác, trong giờ học, các em học sinh lớp 5 phải khòm lưng ngồi chép bài, vì thế nguy cơ cơ thể bị tật rất dễ xảy ra.

Lớp 1 và lớp 5 cùng loại bàn, ghế

Bàn ghế của học sinh tiểu học hiện nay chỉ cùng một  kích thước, nên không phù hợp với thể trạng của học sinh các khối lớp.

Ông Đặng Nhứt, Hiệu trưởng Trường TH Trần Văn Ơn (quận Hải Châu) cho biết, hiện nay nhà trường sử dụng hai loại bàn, ghế theo quy cách cũ và mới. Cụ thể, bộ bàn, ghế cũ có chiều cao 65cm đối với bàn và 36cm đối với ghế, bộ bàn ghế mới chiều cao của bàn là 61cm, ghế 38cm. Tuy nhiên, do thể trạng học sinh của mỗi khối lớp có sự khác nhau, nên các loại bàn ghế này chưa thật sự phù hợp với từng đối tượng học sinh, nhất là sự chênh lệch quá lớn về chiều cao giữa học sinh lớp 1 và lớp 5. 

Để tạo điều kiện cho học sinh hai khối lớp 4 và 5 thoải mái khi ngồi học, cũng như hạn chế các loại bệnh tật học đường, vừa qua, Ban giám hiệu Trường TH Trần Văn Ơn đã xin 50 bộ bàn, ghế cũ của Trường THCS Nguyễn Huệ về “chế” lại cho phù hợp với chiều cao của các em học sinh hai khối lớp 4 và 5 ngồi học.

Ở các trường tiểu học khác, Ban giám hiệu nhà trường không “chế” được bàn ghế thì các em học sinh khối lớp 4 và 5 phải chấp nhận ngồi chung bộ bàn ghế với các em học sinh các khối lớp 1, 2, 3. Một học sinh lớp 5 ở Trường TH Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) kể, do bàn ghế thấp, nên mỗi khi vào lớp, em phải ngồi khom người mới viết được bài. Với điều kiện bàn ghế như vậy, nhiều phụ huynh có con đang học lớp 4, lớp 5 tại các trường tiểu học rất lo ngại con em mình bị mắc các căn bệnh như cận thị, cong vẹo cột sống...

Cần có sự điều chỉnh phù hợp

Theo số liệu thống kê 6 tháng đầu năm 2009 của Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, toàn thành phố có 3.870 học sinh bị cận thị, trong đó, có 340 học sinh tiểu học. Bà Phan Thị Hòa, Phó Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng thuộc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết, một trong những nguyên nhân khiến học sinh bị cận thị là do thường xuyên ngồi viết bài trong tầm nhìn quá gần. Bên cạnh đó, việc ngồi học trong điều kiện bàn ghế không phù hợp với thể trạng cũng là nguy cơ gây bệnh cong vẹo cột sống về sau.

Ông Đặng Nhứt cho rằng, do sự phát triển về thể chất của học sinh từng khối lớp có sự khác nhau nên bàn, ghế ngồi học cũng phải phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Có vậy mới hạn chế các bệnh học đường đối với học sinh hiện nay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Văn Hân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết, hiện nay bàn, ghế ở cấp tiểu học chỉ có cùng một kích thước dùng chung cho học sinh tất cả các khối lớp. Về vấn đề này, ngành giáo dục-đào tạo sẽ xem xét để có sự điều chỉnh. 
               
Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.