.

Nhớ thầy Lê Đình Kỵ

.

Mới mấy ngày mà tôi tưởng như thời gian đã dài hơn cả tháng, từ khi nghe tin thầy Lê Đình Kỵ đi xa. Đường phố vẫn đông người mà sao tôi vẫn thấy lặng lẽ, đơn côi. Tôi tự lắng nghe tiếng nói của lòng mình trong cảm giác mệt mỏi, nặng nề, rằng sinh ly tử biệt lẽ đương nhiên của tạo hóa, huống chi năm nay thầy đã ở vào tuổi tám mươi bảy, lại bị bệnh tật, đau ốm kéo dài. Nhưng sao lòng tôi vẫn thấy buồn, buồn đến cháy lòng trước một khoảng trống mênh mông không gì bù đắp nổi. Lại nhớ, mấy chuyến công tác vào thành phố Hồ Chí Minh gần đây, tôi không ghé thăm thầy. Lại nghĩ, tiếc, ân hận, lại buồn.

.

Tôi đưa mắt nhìn lên bầu trời trong xanh, dường như đang sà dần xuống thấp, cố tìm trong đó đâu là bóng dáng thầy vừa mới bay lên theo mây theo gió, lại nhìn thấy khoảng trống vắng mênh mông sâu thẳm của lòng mình. Ký ức trong tôi như dòng sông chảy miên man đưa tôi về với ô ngăn lưu giữ những gì tôi biết về cuộc đời và con người thầy, những lần gặp gỡ thầy ở Huế, Hà Nội, Sài Gòn...
 
Thầy sinh năm Nhâm Tuất 1922 ở một làng quê làm nghề dệt và buôn bán tơ tằm ven sông Thu Bồn thuộc Điện Bàn, Quảng Nam. Lúc nhỏ, học tiểu học ở quê, ra Huế học trung học ở trường tư thục Việt Anh, vào học năm cuối bậc trung học ở trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn. Năm 1944, sau khi đỗ tú tài phần hai, thầy trở về quê và bắt đầu sự nghiệp giáo dục bằng những lớp dạy học tư tại quê nhà. Và, mảnh bằng tú tài là bằng cao nhất thầy có được trong đời.

Thế mà ngay đợt phong học hàm đầu tiên năm 1984, thầy được phong học hàm giáo sư, không cần qua giai đoạn phó giáo sư; năm 1988 thầy lại được trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, không cần qua giai đoạn Nhà giáo ưu tú. Điều đó thể hiện sự ghi nhận một tấm gương tự học kiên trì và bền bỉ, tự đào tạo mình trở thành một trí thức, một học giả, một chuyên gia lý luận và phê bình văn học hàng đầu ở nước ta. 

Nhìn dáng vẻ bên ngoài, thầy là người hiền lành, ít nói và có phần rụt rè trước đám đông, nhưng bên trong vẫn có một dòng chảy âm thầm dữ dội, sống có chủ kiến và biết bảo vệ chủ kiến của mình đến cùng bằng một ý chí nghị lực của con người Quảng Nam, truyền thống văn hoá Quảng Nam.
 
Trước cách mạng tháng Tám, thầy vừa dạy học vừa tham gia phong trào thanh niên Phan Anh ở Quảng Nam, tham gia khởi nghĩa ở Hội An, tham gia công tác thông tin tuyên truyền, bình dân học vụ, rồi gia nhập quân đội với tư cách là cán bộ chỉ huy tiểu đoàn; Năm 1949 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, năm 1952 đến 1954 về dạy học ở trường Lê Khiết, tập kết ra Bắc dạy ở trường cấp 3 Nguyễn Trãi, Hà Nội, rồi trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên; năm 1958 về dạy Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1980 chuyển về Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chì Minh cho đến ngày nghỉ hưu. 

Không thể kể hết những thế hệ học trò, những trường, những lớp mà thầy đã từng dạy, cũng như không thể tính hết những bài báo thầy đã viết bên cạnh 19 công trình được công bố, trong đó có những công trình mở đầu cho lý luận văn học nước ta dưới chế độ mới như Phương pháp nghệ thuật (1962), mở đầu cho nghiên cứu văn học dưới góc độ thi pháp nhu Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực (1970),... Ngay những ngày đầu về trường đại học, bên cạnh vốn chữ Hán và tiếng Pháp đã có, thầy nhanh chóng tự học tiếng Nga, để chủ trì và cùng với đồng nghiệp dịch từ nguyên bản tiếng Nga những công trình lý luận văn học đầu tiên như Những cuộc thảo luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô của V.Serbina và A.Vasenco (1961), Nguyên lý lý luận văn học của L. Timofeev (1962). Đây là những tài liệu nước ngoài hiếm hoi được giới thiệu đầu tiên trong các trường đại học ở miền Bắc nước ta trước đây thật là đáng quí, tuy nay đã trở nên lạc hậu. Song những công trình do chính thầy biên soạn lại tỏ ra có sức sống bền bỉ so với thời gian. 

Phương pháp nghệ thuật là một trong bốn bộ phận của giáo trình lý luận văn học được giảng dạy trong các trường đại học. Sách mới in ra chưa bao lâu thì diễn ra một cuộc tranh luận trên tạp chí Nghiên cứu văn học hơn một năm trời. Những người khen thì cho rằng tác giả đã phát hiện ra được tính độc đáo của phong cách sáng tạo, giá trị của điển hình, xác định được giá trị nhân bản...    
                       
Người chê thì cho rằng đã phi giai cấp, mất lập trường, phủ nhận tính giai cấp trong văn học,  chưa xác định được vai trò của thế giới quan trong sáng tạo văn học, rơi vào lập trường của giai cấp tư sản...Sau hơn bốn mươi năm đọc lại công trình này, chúng ta thấy nếu có hạn chế chính là ở những kiến giải có phần sơ lược về hình tượng, về phương pháp nghệ thuật, về chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học Xô viết lúc đó, mà ảnh hưởng của nó không chỉ chi phối một mình Lê Đình Kỵ.
 
Trong khi đó, những chỗ mà người ta chê nhiều lại là những chỗ, dù chỉ là mong manh chưa rõ nét, nhưng nó có ý nghĩa tiên phong, dự báo cho sự đổi mới tư duy phê bình nghiên cứư văn học, trải qua nhiều thăng trầm cho đến nay đang diễn ra. Hoặc như công trình vận dụng lý luận văn học vào nghiên cứu Truyện Kiều, được coi là công trình thành công nhất của thầy, sau này chính giáo sư Trần Đình Sử cũng thừa nhận: “Có thể nói đó là sự nghiên cứu thi pháp Truyện Kiều theo thi pháp chủ nghĩa hiện thực.”(Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục,2002,tr.18). 

Còn có thể dẫn ra nhiều công trình thể hiện sự đi đầu đổi mới nữa. Nhìn ở góc độ nào cũng thấy được thầy là con người tài hoa tột bậc, sắc sảo trong cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm về văn chương. Riêng về con người, thầy có một lối sống hết bình dân, giản dị đến mức đơn giản. Có lần thầy đã từng thừa nhận: “Cha tôi là nông dân, có học chữ Nho.Mẹ tôi tảo tần vất vả. Tuổi thơ tôi khá thiệt thòi vì trong nhà không có sách vở thi thư gì.

Có lẽ vì vậy mà khi vào đời, tính tôi rất dễ dãi, không khuôn phép như con nhà Nho”(Giáo sư, nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ, tạp chí Kiến thức ngày nay, số 211, ngày 01.6.1996,tr.6). Tôi được học thầy từ những năm đầu ở trường Đại học Tổng hợp Huế, những năm cuối ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi ra công tác cùng nghề, tôi còn có nhiều dịp tiếp xúc học hỏi thầy, tôi càng hiểu rõ tính thầy. 

Có thể nói, cả cuộc đời lặng lẽ của thầy chỉ xoay quanh một cái trục: đọc sách- viết sách- đi dạy. Và, lúc nào cũng cảm thấy thiếu thời gian đầu tư cho những việc ấy. Quần áo mặc xong bao giờ cũng dồn đống để đấy, bao giờ mặc đến chiếc áo cuối cùng trong tủ mới giặt một lần. Chén bát ăn xong cũng dồn vào một cái chậu để dưới gầm giừơng, đến cái cuối cùng mới rửa.

Rác cũng quét dồn một góc, mươi bữa, nửa tháng đầy lên mới hốt một lần... Có lần vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi đến phòng thầy, thấy đống rác đầy lên sau cánh cửa, tôi định dọn, thì bị thầy la, bảo để đấy ngồi uống nước nói chuyện, tôi mới ngồi cầm ly trà, đang chần chừ vì cái ly hơi cáu bẩn, thì từ gầm giưòng lũ gián bò ra,thân thiết tới mức bò lên cả chân người...Ngưòi sống như vậy nhưng sức làm việc và trí tuệ uyên bác khó ai bì kịp.

Trong nhiều thế hệ sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội những năm sáu mươi đến tám mươi của thế kỷ trước, ai cũng biết câu suy tôn không biết hình thành từ bao giờ: Viết như Kỵ, giảng như Mai, tài như Cẩn. Thầy Hoàng Như Mai vốn xuất thân từ diễn viên sân khấu nên giảng rất hay. Thầy Nguyễn Tài Cẩn là cây đại thụ về ngôn ngữ học. Là người học trò nhỏ của thầy, tôi cũng ít nhiều có tham gia công việc viết lách. Nhưng mỗi khi nhớ đến thấy, đọc lại những trang viết của mình lòng bỗng thấy hoang mang. 

Nghe tin thầy đi xa, tôi viết những dòng này như một nén nhang, thành kính hướng về để đưa tiễn thầy về nơi an nghỉ cuối cùng. 
 
Nam Giao, 27.10.2009 
                            
Phạm Phú Phong
     

;
.
.
.
.
.