.

Quy định về đồng phục và lễ phục đối với học sinh, sinh viên

Bộ Giáo dục-Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên. Theo đó, bắt đầu từ năm học 2009-2010, đồng phục được quy định gồm: quần đồng màu, áo đồng màu (áo sơ-mi, áo khoác hoặc áo dài), phù hiệu, giày hoặc dép; lễ phục bao gồm: áo, mũ và biểu trưng (logo) của trường (nếu có) được sử dụng cho học sinh, sinh viên của một trường (hoặc một ngành) mặc trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, TCCN, nhằm tạo sự trang trọng, thể hiện nét đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam.

Cụ thể, tiêu chuẩn của đồng phục bao gồm: áo sơ-mi, quần âu hoặc áo dài truyền thống, giày hoặc dép quai hậu; phù hiệu gắn ở ngực áo bên trái hoặc mặt ngoài giữa cánh tay áo bên trái đối với học sinh phổ thông và gắn ở ngực áo bên trái đối với học sinh trường TCCN, sinh viên các cơ sở giáo dục đại học. Nếu nữ sinh sử dụng váy, thì chiều dài của váy phải trùm qua đầu gối. Việc mặc đồng phục là áo dài chỉ thực hiện đối với nữ sinh trường THPT, TCCN và các cơ sở giáo dục đại học.

Về lễ phục bao gồm: Áo khoác ngoài nhẹ, rộng, dài quá đầu gối, trang trọng, lịch sự, thích hợp cho cả mùa đông, mùa hè… và biểu trưng của trường được gắn ở ngực áo bên trái. Nếu nhà trường chưa quy định được lễ phục riêng, có thể sử dụng bộ complet màu sẫm, áo sơ-mi, cravat đối với nam; bộ complet hoặc bộ áo dài truyền thống đối với nữ.

Hiệu trưởng là người quyết định việc mặc đồng phục, lễ phục và quy định kiểu dáng, màu sắc, số ngày mặc đồng phục trong tuần đối với học sinh, sinh viên.

Phương Chi

;
.
.
.
.
.