.

Thu phí gửi xe trong trường học: Biết sai, vẫn làm

.

Học sinh phải trả tiền giữ xe khi đến trường học là điều đang diễn ra hằng ngày ở hầu khắp các trường. Việc này tưởng chừng hết sức bình thường, nhưng so với quy định của ngành giáo dục thì đây là việc làm sai.

Mỗi nơi thu mỗi kiểu

Không nhiều học sinh may mắn cho xe “lọt” vào bãi giữ trong trường khi quỹ đất các trường còn hạn chế.

Qua ghi nhận ý kiến của học sinh các cấp, được biết, hiện nay, các trường thu phí gửi xe theo nhiều cách khác nhau. Có trường thu theo ngày, có trường thu theo từng tháng hoặc ba tháng một lần. 500 đồng/xe/lần, 200 đồng/xe/lần, 8 nghìn đồng/tháng, 30 nghìn đồng/3 tháng…

So với giá giữ xe bên ngoài (1.000 đồng/ chiếc/lần), mức giá này được coi là khá thấp. Một học sinh trường THPT cho biết: “Em muốn gửi xe trong trường, vì ở đó chỉ nộp 8 nghìn đồng/tháng để gửi vừa xe, vừa mũ bảo hiểm cả tháng, kể cả học ngoài giờ là “hữu nghị” so với bên ngoài. Cứ tính trung bình mỗi ngày lên trường hai lần, gửi xe ở ngoài mất 2 nghìn đồng thì thật quá tốn kém”.

Hiệu trưởng trường THCS H. cho biết: “Chúng tôi chỉ thu 200 đồng/xe. Số tiền này để bù thêm một phần kinh phí trả cho nhân viên”. Hiệu trưởng trường THPT P. cho rằng: “Tuy có thu phí, nhưng vẫn bảo đảm tính chất phục vụ là chính chứ không phải nhằm vào mục đích kinh doanh. Nhà trường cũng không đứng ra tổ chức thu tiền mà học sinh nộp tiền trực tiếp cho người giữ xe, sau đó nhà trường được chi lại một khoản phí sân bãi. Mức giá đưa ra đã được sự thống nhất của Ban giám hiệu và Hội cha mẹ học sinh”.

Biết sai vẫn thu?

Đại diện Sở Giáo dục-Đào tạo thành phố Đà Nẵng khẳng định: “Mỗi trường, đặc biệt ở cấp THCS, THPT phải bố trí chỗ và người giữ xe cho học sinh để bảo đảm tài sản của các em, đồng thời góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn giao thông. Đây là phần trách nhiệm của nhà trường nên không có chuyện thu phí”. Về quan điểm cá nhân, ông này cũng cho rằng: “Thu phí gửi xe trong trường học là sai”.

Các trường thừa nhận, thu phí gửi xe là không đúng quy định của ngành. Tuy nhiên, đứng ở góc độ nhà trường, Ban giám hiệu các trường đã đưa ra những lý do riêng để thấy không thu phí sẽ gây khó trong việc bảo vệ tài sản của học sinh.

Hiệu trưởng trường P. nói: “Trước đây nhiều năm, nhà trường đã thực hiện việc không thu phí gửi xe. Học sinh đến trường thì bảo vệ mở cửa cho vào, học sinh ra về lại mở cửa cho ùa ra. Việc này đã gây nên tình trạng mất xe của học sinh.
 
Nếu không cho thu phí, buộc lòng chúng tôi phải tăng thêm một biên chế để chuyên giữ xe hoặc quay về với cách mà trước đây trường đã làm, tức là chỉ có thể quan sát chung chung hàng trăm chiếc chứ không thể giữ cẩn thận từng chiếc một”. Thầy giáo phụ trách cơ sở vật chất của trường này cho biết thêm:

“Trước đây, mỗi ca trường giữ từ 700 đến 1.000 chiếc xe. Nhưng diện tích bãi hiện nay bị thu hẹp nên chỉ giữ được 300 chiếc/ca. Phụ huynh yêu cầu nhà trường tăng số lượng xe gửi trong trường, vì họ không yên tâm khi con em gửi xe ngoài trường. Nhưng sức chứa của trường có hạn”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, bãi giữ xe trong các trường học trông khang trang và an toàn hơn bên ngoài. Phần lớn các điểm giữ bên ngoài do người dân tự chiếm lề đường xung quanh trường làm bãi giữ. Hơn thế, giá giữ xe lại ngang bằng với mức giá thị trường, không phù hợp túi tiền học sinh.
 
Từ những thực tế trên đây, rõ ràng việc giữ xe ở các trường học đang rất bất cập, ngành Giáo dục-Đào tạo cần có hướng giải quyết phù hợp và thống nhất chung cho tất cả các trường.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.