.

Tìm mô hình xây dựng trường học chống bão

.

Mặc dù bão số 9 không trực tiếp đổ bộ vào Đà Nẵng, nhưng do ảnh hưởng của bão, vẫn có nhiều trường học trên địa bàn bị tốc mái, hư hỏng nặng. Ngày 26-10, chúng tôi có mặt ở một số trường bị hư hại do bão và được lãnh đạo các trường cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên có phần do chất lượng thi công công trình còn hạn chế.

Những hạn chế phổ biến

Mỗi lần trời mưa, ba phòng học bị tốc mái ở trụ sở chính Trường mầm non Hòa Liên bị nước thấm dột qua sàn bê-tông xuống lớp học.


Tại Trường tiểu học số 1 Hòa Nhơn, bão số 9 làm tốc mái 3 phòng học là những phòng học đã từng bị tốc mái trong bão năm 2006. Ông Nguyễn Đức Tân, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước khi bão đến, cán bộ, giáo viên của trường đã tích cực chằng, chống các phòng học, nhưng do trước đây đơn vị thi công dùng dây thép chằng néo mái tôn vào tường, xà gồ không kỹ nên gió đã giật bay tôn. Trong khi nhiều nhà dân gần đó tuy nhà cấp 4 nhưng không bị bão giật bay tôn.

Ở trụ sở chính Trường mầm non Hòa Liên, sau bão có 3 phòng học bị tốc mái hoàn toàn, đến nay vẫn chưa khắc phục được nên mỗi lần trời mưa nước thấm qua sàn bê-tông, giọt xuống lớp học.

Sau bão, tại trụ sở chính Trường tiểu học Hòa Bắc cũng có 3 phòng học và 4 phòng ở dãy nhà thư viện, khu hiệu bộ bị tốc mái; bên cạnh đó, 4 phòng học ở thôn Nam Yên cũng bị tốc mái. Bà Trần Thị Huệ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, các phòng học ở thôn Nam Yên được đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng từ năm 2005; còn dãy phòng học và khu hiệu bộ của trường xây dựng trong hai năm 2008-2009 và mới đưa vào sử dụng.

Điều đáng chú ý là tất cả các hạng mục trên đều được đầu tư xây dựng theo phương thức “chìa khóa trao tay” (nhà trường nhận bàn giao và sử dụng). Bà Huệ bức xúc, mới chỉ xây dựng chưa được 4 năm, nhưng hầu hết hệ thống cửa chính, cửa sổ các phòng học thôn Nam Yên đã bị hư hỏng, mục rét.

Tại nhiều trường học khác trên địa bàn thành phố bị thiệt hại sau bão số 9 cũng bộc lộ một số hạn chế tương tự. Lãnh đạo các trường đều cho rằng, việc chằng néo các mái tôn trong quá trình thi công được thực hiện sơ sài, không đủ sức chịu đựng với gió bão.

Tìm một mô hình trường học chống bão?

Thực tế trong những năm qua, mỗi lần xảy ra mưa bão là có nhiều trường học trên địa bàn thành phố bị hư hỏng. Vậy, giải pháp nào để hạn chế những thiệt hại như trên? Ông Nguyễn Đức Tân, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Nhơn khẳng định: Nếu các trường học được lợp mái bằng ngói thì sẽ hạn chế thiệt hại trong bão. Ông Tân ví dụ, sau bão, các phòng học lợp tôn thì bị tốc mái, còn một dãy phòng cũng ở trong khuôn viên nhà trường được lợp ngói thì không hề hấn gì. Ông Bùi Đức Noa, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Liên cho rằng:

Để các công trình trường học chống chọi được với gió bão, trước hết mái phải đổ sàn bê-tông và chống thấm thật kỹ. Trường học còn là nơi để người dân địa phương trú ẩn bão, lũ, vì vậy cần phải được đầu tư xây dựng thật kiên cố. Bà Trần Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòa Bắc đề xuất thêm: Các trường học phải có tường dày 20cm, không nên xây 10cm như hiện nay, rất dễ bị bão giật đổ.

Từ thực trạng hư hỏng, thiệt hại nặng ở các công trình trường học sau bão số 9, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng thành phố cần sớm tìm ra giải pháp xây dựng các công trình trường học theo hướng thật kiên cố, nhằm tránh những thiệt hại trong mùa mưa bão hằng năm.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN-MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.