Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng (ĐHBK) cho biết, hằng năm ngoài nguồn học bổng “cứng” được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp (được trích 15% từ quỹ học phí), nhà trường còn tiếp nhận nhiều nguồn khác trong và ngoài nước.
Sinh viên cần chủ động tìm kiếm thông tin về học bổng để không bỏ lỡ quyền lợi của mình. |
Để có cơ hội nhận được HB tại trường, sinh viên phải đáp ứng được 3 tiêu chí cơ bản: có điểm tổng kết loại khá trở lên, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, tham gia tích cực các hoạt động của trường. Đặc biệt, sinh viên nghèo luôn là đối tượng mà các nguồn HB này hướng đến. Tuy nhiên thực tế cho thấy, sinh viên không mấy mặn mà với HB.
Bạn Võ Trọng Bảo Tín, sinh viên năm cuối khoa Điện - ĐHBK nói: “Thật sự bản thân em ít quan tâm đến các nguồn HB vì biết mình học không được giỏi. Em biết trong lớp có một số bạn gia đình rất vất vả, nhưng cũng không theo đuổi HB mà thường chọn giải pháp đi làm thêm để có tiền theo học. Vả lại, HB chủ yếu dựa vào điểm tổng kết hằng kỳ nên thường thì những bạn nào đã được nhận một lần sẽ tiếp tục nhận được ở những lần tiếp theo”.
Một trong những lý do dẫn đến việc nhiều sinh viên, nhất là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đi làm thêm kiếm tiền thay vì ở nhà “cày” bài vở để mong kiếm HB vì số tiền HB không lớn. Như HB Jesco - Nhật Bản, dành cho 10 sinh viên với giá trị 2 triệu đồng/sinh viên/năm; HB Quỹ giáo dục Huế hiếu học chỉ dành cho sinh viên là người Huế với 1,5 triệu đồng/năm… Nhiều HB lại có yêu cầu cao khiến sinh viên e ngại như: HB Lawrence S.Ting với 10 triệu đồng/năm chỉ dành cho sinh viên thật sự xuất sắc.
Trước tình hình nhiều nguồn HB vẫn chưa đến đúng địa chỉ cần được hỗ trợ, sinh viên chưa mấy mặn mà với nó, Tiến sĩ Đoàn Anh Tuấn, Phó phòng Công tác sinh viên ĐHBK cho biết: “Toàn trường chúng tôi hiện có 20.000 sinh viên với 400 lớp học. Với lực lượng cán bộ như hiện nay, chúng tôi không thể cập nhật thông tin đến trực tiếp từng em một mà chủ yếu thông qua các kênh thông tin như website của trường, các bảng thông báo. Nhưng nhiều sinh viên vẫn không mấy quan tâm đến điều này.
Nhiều trường hợp sinh viên đủ tiêu chuẩn nhận HB nhưng khi biết để làm hồ sơ thì đã quá trễ. Thực tế, sinh viên mình còn thiếu chủ động trong cập nhật thông tin về trường, lớp. Chính vì vậy, các nguồn HB khi rót về vẫn chỉ mới tập trung vào những sinh viên có thành tích nổi trội ở trong khoa. Riêng những nguồn HB tự kiếm, nếu biết được chúng tôi sẽ cung cấp đường link cho các em tự tìm hiểu để làm thủ tục và dự tuyển. Thực ra HB không khó kiếm, nhưng các em cần năng động hơn trong việc cập nhật thông tin”.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA