.

Cần ngăn chặn tình trạng “lờn luật” trong học sinh

.

Học sinh là những đối tượng đang được học tập trong các trường phổ thông, các em đều được tiếp thu những kiến thức sơ đẳng về pháp luật có liên quan đến lứa tuổi của mình. Câu khẩu hiệu “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” không thể chỉ hiểu một cách máy móc là ai trên 18 tuổi (tuổi công dân) mới chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Đối với đa số học sinh, dù chưa đến hoặc mới chớm tuổi công dân thì vẫn chịu sự điều chỉnh của pháp luật mà rõ nhất là Luật Giao thông đường bộ.

Học sinh đến trường đi xe máy phân khối lớn, chở 3, không đội mũ bảo hiểm. (Ảnh minh họa)

Các quy định có thể kể ra là học sinh không được đi xe máy phân khối lớn đến trường; không đi hàng ba, không đi ngược chiều và mới đây nhất (từ ngày 1 tháng 7) là đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm... Quy định bắt buộc là vậy nhưng đến thời điểm này, đây đó vẫn thấy xuất hiện học sinh đi xe máy đến trường, và phổ biến hơn cả là tình trạng các em đi xe điện không đội mũ bảo hiểm; còn tình trạng đi xe hàng ba, hàng bốn thì… đi đâu cũng gặp.

Các biện pháp xử lý đều đã được đưa ra từ phía cơ quan chức năng, từ nhà trường…, nhưng để chấm dứt hẳn những vi phạm trên, thiết nghĩ phải cần có những biện pháp kiên quyết, mang tính răn đe và triệt để hơn nữa. Việc xử lý phải có sự tham gia của nhiều đối tác, đầu tiên là Cảnh sát giao thông (CSGT), sau đó là nhà trường, đoàn thể và cuối cùng là gia đình. Giai đoạn để giáo dục, nhắc nhở đã qua mà phải nhường chỗ cho các hình thức chế tài cụ thể.
 
Ở nội dung này, việc cảnh sát mặc thường phục để tuần tra, phát hiện và xử lý các trường hợp học sinh vi phạm cần được xem là biện pháp khả thi, không nên bàn ra nữa. Dẫn chứng ở Hà Nội, cách làm này đã làm các học sinh vi phạm phải “tâm phục”. Nếu đơn thuần chỉ mặc sắc phục công khai làm nhiệm vụ, chưa chắc đã hiệu quả, vì không ít học sinh bây giờ khá tinh quái trong việc đối phó. Về phía nhà trường, ngoài việc phát hiện, xử lý các học sinh của trường mình khi vi phạm trong phạm vi quản lý, thì cũng cần có hình thức kỷ luật cụ thể khi được CSGT thông báo  tên học sinh của trường mình vi phạm.

Về góc độ gia đình, đây là một khía cạnh không kém phần quan trọng. Việc các em mắc phải các vi phạm trên có phần trách nhiệm không nhỏ từ phía gia đình. Sự thờ ơ, lơi lỏng, thiếu nghiêm túc, vô trách nhiệm của cha mẹ là “mảnh đất sống” cho các em vi phạm luật. Một khía cạnh khác là vai trò của đoàn thể.

Thật là phản cảm khi các em học sinh ngực đeo huy hiệu Đoàn mà “vô tư” đi xe điện không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường một chiều… Cuối cùng, không thể không đề cập tới một yếu tố mang tính then chốt, đó là sự phối hợp giữa cơ quan công an, nhà trường và gia đình. Đây cũng là một nội dung hết sức quan trọng, chẳng hạn, việc CSGT tạm giữ xe vi phạm báo về trường để hạ bậc hành kiểm, thông báo cho phụ huynh đến nộp phạt để nhận xe về sẽ có tác dụng răn đe rất mạnh đối với học sinh vi phạm.

Việc xử lý vi phạm Luật Giao thông phải làm cho học sinh biết sợ, biết tuân thủ triệt để pháp luật. Nếu để các em “lờn luật” từ khi còn ngồi dưới mái trường thì sau này vào đời, các em cũng dễ xem nhẹ các loại luật khác.

Điều đó sẽ tạo ra những hệ lụy khó lường. Một thế hệ tương lai của đất nước mà không chấp hành pháp luật ngay trong môi trường giáo dục chính thống của nước nhà thì quả là điều phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc, từ đó có những biện pháp phù hợp và hiệu quả để không cho những tình trạng trên trở thành phổ biến. Đó cũng là một cách thiết thực để thực hiện “văn hóa giao thông” mà chúng ta đã đề cập nhiều đến trong thời gian qua.

DÂN HÙNG

;
.
.
.
.
.