Suốt 33 năm trong nghề nhà giáo, ông không hề có một tấm bằng khen. Nhưng trái lại, các thế hệ thầy, cô giáo trong ngành Giáo dục-Đào tạo thành phố Đà Nẵng đều rất quý trọng ông và thường gọi bằng cái tên trìu mến: “Thầy hiệu trưởng đa mang”. Bởi lẽ, ông không chỉ là người sống hết lòng với học sinh, mà còn là người có trách nhiệm với cộng đồng… Ông là thầy giáo Đặng Nhứt, hiện là Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn, quận Hải Châu.
Hết mực yêu thương học trò
Không chỉ giúp đỡ bằng vật chất, tình thương học sinh của thầy Nhứt thể hiện qua việc nhỏ như xin bàn ghế cũ về cải tiến cho phù hợp với thể trạng học sinh. |
33 năm làm nhà giáo, từng trải qua các nhiệm vụ dạy học, quản lý, thầy Đặng Nhứt đã có biết bao kỷ niệm vui buồn trong nghề. Nhưng khi hỏi về kỷ niệm lưu dấu trong lòng ông lâu nhất, ông chỉ kể về câu chuyện buồn cách đây 32 năm.
Hồi đó, năm 1977, thầy Nhứt là giáo viên Trường THCS Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Với hoàn cảnh kinh tế, xã hội lúc bấy giờ, cả thầy và trò đến trường với những mảnh áo, quần chắp vá. Học trò ở quê, ai nấy cũng nghèo, nhưng thầy phát hiện trong số học sinh ấy, có 2 học sinh là chị em ruột có tên Đ.Th.H (lớp 7) và Đ.H.B (lớp 6) thuộc diện nghèo nhất lớp.
Bố của Hay và Buôn mất sớm, mẹ bị bệnh không có khả năng lao động, hai chị em phải ở với ông bà nội đã già yếu. Ngày ngày đến trường, các em mặc bộ quần áo vá chằng vá đụp, cơm ăn bữa đói, bữa no. Do hoàn cảnh quá khó khăn, gia đình không muốn cho Hay và Buôn tiếp tục đến trường. Biết tin, thầy Nhứt đã nhường những xấp vải áo, quần mua theo chế độ tem phiếu cho 2 học sinh này. Rồi thầy lấy khẩu phần ăn được cấp hằng tháng chia cho hai chị em họ. Nhờ đó, việc học tập của Hay và Buôn không bị dang dở.
Năm 1982-1983, thầy Nhứt chuyển công tác về dạy tại Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu); năm 1986 công tác tại Trường THCS Nguyễn Huệ. Mặc dù ở xa nhưng thầy vẫn thường xuyên liên lạc với 2 học sinh này để giúp đỡ các em. Đến lúc cả Hay và Buôn đã lập gia đình, nhưng do cuộc sống còn nhiều khó khăn, thầy Nhứt lại tích góp tiền lương ít ỏi để thi thoảng đến giúp họ những món quà như tiền mặt, gạo, mắm muối…
Sau này, để đền đáp công ơn người thầy đã tận tình giúp đỡ mình trong những năm tháng khó khăn, vào dịp lễ 20-11, Tết, chị Hay, anh Buôn lại dẫn nhau đến thăm và tặng thầy khi thì nải chuối, quả mít, lúc con gà… Quà của học trò cũ chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng tình thầy trò thật bùi ngùi xúc động mỗi khi gặp mặt.
Năm 2004, khi hay tin cậu học trò cũ Đỗ Hữu Buôn bị chết đuối và người vợ bỏ nhà đi, để lại 2 đứa con nhỏ không ai chăm sóc, thầy lại chạy đi khắp nơi vận động bạn bè giúp đỡ cho hai con anh Buôn chuyện ăn uống, học hành. Và để bảo đảm cuộc sống lâu dài của hai con anh Buôn, thầy liên hệ với lãnh đạo Làng Hy Vọng xin gửi hai đứa trẻ vào sinh sống tại đây. Đáng mừng, đến nay hai đứa trẻ đã khôn lớn, trong đó có một cháu đang làm thủ tục chuẩn bị du học ở Cộng hòa Pháp.
Năm học 2006-2007, thầy Nhứt được điều về làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu). Việc đầu tiên là thầy nắm danh sách học sinh nghèo ở trường, vận động bạn bè, những nhà hảo tâm ủng hộ mua áo ấm, sách vở tặng các em. Đến nay, đã có hơn 200 học sinh nghèo ở trường được thầy giúp đỡ. Những trường hợp học sinh có nguy cơ bỏ học, thầy đến tận từng gia đình tìm hiểu nguyên nhân, vận động phụ huynh tạo mọi điều kiện để các em đến trường.
Thầy Nhứt kể, năm học 2006-2007, em Hồ Huỳnh Công Thành, học sinh lớp 5, có học lực giỏi, nhưng hoàn cảnh gia đình em khó khăn. Sợ học sinh có thể dang dở việc học, thầy đã nhiều lần đến gia đình cùng bố mẹ em bàn bạc, tạo điều kiện để em yên tâm học tập. Những món quà nhỏ, cùng với sự ân cần, động viên của thầy Nhứt và cha mẹ, em Thành nỗ lực học tập, vượt lên khó khăn, đến cuối năm học em xuất sắc đoạt Huy chương vàng Toán tuổi thơ cấp quốc gia và cũng là học sinh đầu tiên mang về cho thành phố Đà Nẵng chiếc huy chương này.
Khơi lòng nhân ái của học sinh
Không chỉ hết lòng thương yêu học sinh, ở thầy Nhứt còn có một đức tính rất quý, đó là luôn lắng nghe, quan tâm, chia sẻ những khó khăn với đồng bào. Từ năm 2007 đến nay, mỗi lần mưa bão, thầy lại đi khắp nơi kêu gọi bạn bè ủng hộ tiền, gạo, sách vở, áo quần… để giúp đỡ học sinh và người dân các vùng bị thiệt hại do thiên tai.
Trong mỗi chuyến đi như vậy, thầy dẫn cả cán bộ, giáo viên và học sinh đi theo, với mục đích để họ tận mắt chứng kiến nỗi đau khổ, khó khăn của người dân, qua đó dấy lên lòng nhân ái trong mỗi người. Mỗi lần kết thúc chuyến đi cứu trợ, thầy yêu cầu học sinh viết bài thu hoạch và cử đại diện lớp phát biểu cảm nghĩ dưới cờ để cho học sinh toàn trường nghe. Theo thầy Nhứt, việc làm này nhằm khơi dậy lòng nhân ái trong học sinh, để sau này, các em biết sống có trách nhiệm với cộng đồng.
Trong đợt bão số 9 vừa qua, biết Ban Giám hiệu sẽ tổ chức đi cứu trợ người dân vùng thiên tai, nhiều học sinh trong trường đã tự nguyện ủng hộ sách vở, áo quần cũ, tiền ăn sáng… để giúp đỡ học sinh vùng bị bão lụt. Ngồi lật cuốn sổ ghi tên học sinh ủng hộ tiền, vật chất trong đợt bão lụt vừa qua, thầy mỉm cười hạnh phúc: “Mầm mống của lòng nhân ái, thương yêu đồng bào đã bắt đầu nhen nhóm trong lòng các em nhỏ”.
Suốt 33 năm trong nghề Nhà giáo, trải qua bao nỗi thăng trầm, buồn vui, thầy Đặng Nhứt đúc kết được một điều rằng: “Làm Thầy giáo không chỉ gương mẫu ở lời nói, mà còn phải có những việc làm cụ thể để dễ giáo dục học sinh hơn”.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN