.

Có nên để trò “chấm điểm” thầy?

Trong Dự thảo phát triển giáo dục Việt Nam, giai đoạn 2009-2010, do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa mới công bố, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (GV) nhằm đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu của thời kỳ mới là một nội dung quan trọng. Một trong những biện pháp mà Bộ GD&ĐT đưa ra để thực hiện nội dung này là việc lần đầu tiên trò được đánh giá, “chấm điểm” thầy.

ở các nước có nền giáo dục tiên tiến như: Anh, Pháp, Đức, Mỹ… việc trò đánh giá thầy đã là một việc bình thường, song ở nước ta, đó còn là điều hết sức mới mẻ, và không quá khó hiểu khi nó nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả trong và ngoài ngành giáo dục. Những ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, với quan niệm thứ bậc “Quân - Sư - Phụ” trong xã hội khiến cho việc soi xét, đánh giá người thầy từ xưa đến nay vẫn được nhiều người xem là việc làm “bất lễ”, đi ngược lại với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”.

Việc để trò “chấm điểm” thầy không phải là không có những điểm tích cực. Trong điều kiện hiện nay, khi đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, rất cần một đội ngũ trí thức, nhân lực có trình độ, tay nghề, nhạy bén, sáng tạo. Để làm được điều này, nhân tố người thầy đóng vai trò then chốt. Do đó, đã đến lúc cần có một sự thay đổi mang tính đột phá về chất lượng giảng dạy của đội ngũ GV. Phương pháp dạy học “truyền thống”:

Thầy đọc - Trò chép đã không còn phù hợp. Xu thế đối thoại cởi mở giữa người dạy và người học khiến cho người thầy không còn đóng vai trò là người độc tôn nắm giữ và truyền thụ tri thức một chiều mà phải là người hướng dẫn, gợi mở, “đồng hành” cùng học sinh trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Trong quá trình ấy, tư chất và khả năng của người thầy sẽ được bộc lộ. Bên cạnh đó, người thầy đứng trên bục giảng,  ngoài khả năng, năng lực chuyên môn còn phải có phẩm chất đạo đức, tư cách tốt, là tấm gương sáng để HS noi theo.

Phong cách sống và cách hành xử của người thầy trong cuộc sống hằng ngày sẽ có tác động tới nhận thức, tư tưởng, tình cảm và sự phát triển về nhân cách của trò. Trên thực tế, đây đó vẫn còn những GV có những biểu hiện vi phạm đạo đức nhà giáo làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người thầy, ít nhiều làm xói mòn niềm tin của phụ huynh - HS và dư luận xã hội. Việc trò “chấm điểm” thầy một cách khách quan, chính xác sẽ là động lực để người thầy không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, đồng thời thường xuyên có ý thức tránh xa những biểu hiện vi phạm đạo đức nhà giáo.

Mặc dầu vậy, do là việc làm mới mẻ, chưa hề có tiền lệ, mang tính nhạy cảm cao nên nếu không được cân nhắc, thận trọng mà vội vàng áp dụng đại trà, việc trò “chấm điểm” thầy có thể gây ra những hệ lụy không đáng có. Trước hết, mặc dầu mặt bằng nhận thức của người học hiện nay đã có sự cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn, song do trình độ nhận thức của các đối tượng người học không đồng đều; do đặc thù về lứa tuổi, tâm lý mà việc đánh giá của người học, nhất là đối với lứa tuổi HS thường khó tránh khỏi sự chi phối của yếu tố cảm tính.
 
Theo đó, với tâm lý thích điểm cao, thích thành tích của đa số người học hiện nay, những GV có năng lực chuyên môn chắc và cho điểm”rắn” thì có thể bị học trò “ghét’ và đánh giá là “dạy dở”. Ngược lại, những GV dạy chưa giỏi, chua hay nhưng dễ tính và cho điểm “thoáng” thì có thể dễ dàng “lấy lòng” người học. Mặt khác, việc sợ bị thầy cô “để ý”, “chăm sóc” cũng tác động tới tâm lý dám nói thật, đánh giá thật của người học.

Trong khi đó ở trường, người học lại không có “quyền” chọn GV cho môn học của mình mà phụ thuộc vào sự sắp xếp, bố trí của các tổ chức trong nhà trường như: Ban giám hiệu, Tổ chuyên môn… Việc đánh giá cảm tính, thiếu khách quan, thiếu chính xác từ phía người học có thể gây ra tâm lý buồn chán, thất vọng, triệt tiêu sự cố gắng, nỗ lực của những người thầy bị đánh giá sai. Tác hại lớn nhất từ sự đánh giá thiếu chính xác của người học đó là hình ảnh tôn nghiêm vốn có của người thầy có thể bị tổn hại, xúc phạm.

Trong khi đề cập tới vấn đề trò đánh giá thầy, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: “Nhận xét của người học sẽ là một trong những động lực cho GV tự thay đổi mình theo hướng tích cực và đây là vấn đề mà các thầy cô giáo phải chuẩn bị về mặt tâm lý cho một sự đổi mới về chất lượng dạy và học”.

Thiết nghĩ, trong nỗ lực nâng cao chất lượng đội ngũ GV, khi khai thác tối đa những ưu điểm từ việc trò “chấm điểm” thầy mang lại, cần có một thái độ thận trọng, nghiêm túc và nhất thiết phải có một lộ trình thực hiện phù hợp. Chỉ nên xem ý kiến phản hồi từ sự đánh giá của người học như là một “kênh” thông tin.

Việc đánh giá người thầy cần có sự kết hợp chặt chẽ của nhiều “kênh” thông tin khác như: kết quả thực tập, thao giảng, hồ sơ, giáo án… và nhất là sự tiến bộ trong học tập của đối tượng người học do GV trực tiếp giảng dạy. Việc để trò “chấm điểm” thầy nếu được thực hiện, cần được tiến hành một cách cẩn trọng, tế nhị, tránh lạm dụng để lấy GV ra bình phẩm, đàm tiếu.

Trong một nền giáo dục ưu việt, cả thầy và trò đều cần có sự tôn trọng lẫn nhau. Việc trò được phép đánh giá thầy và đánh giá một cách khách quan, chính xác sẽ giúp người thầy có những điều chỉnh phù hợp nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình. Đó cũng là cách thể hiện sự tôn trọng quyền lợi chính đáng của người học.

Tuy nhiên, nếu sự đánh giá không bảo đảm tính khách quan, chính xác thì những hệ lụy kéo theo không phải là nhỏ. Nên chăng, nếu việc trò đánh giá thầy được áp dụng trong thực tiễn thì chỉ nên thực hiện thí điểm ở một số trường đại học mà chưa nên áp dụng đại trà, nhất là đối với các bậc học phổ thông do có sự khác biệt trong mặt bằng nhận thức và độ “chín” trong suy nghĩ của người học.

Sau khi thực hiện thí điểm, cần có quá trình nhận định, tổng kết đánh giá kết quả việc thực hiện. Nếu có tính khả thi cao thì mới bắt đầu cho nhân rộng, nhưng cần phải tuân theo một lộ trình thời gian thích hợp.

Bùi Minh

;
.
.
.
.
.