Việc đẩy mạnh ứng dụng các thiết bị dạy học sẽ góp phần hạn chế tình trạng dạy học kiểu “đọc-chép” ở các trường phổ thông.
Bắt đầu từ năm học 2009-2010, Bộ Giáo dục-Đào tạo có chủ trương trong vòng 2 năm, phải chấm dứt tình trạng dạy học theo kiểu “đọc-chép” ở các trường THCS, THPT. Trao đổi với phóng viên (PV) Báo Đà Nẵng về các giải pháp triển khai thực hiện chủ trương này, ông NGUYỄN MINH HÙNG (Ng.M.H), Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết:
Để nâng cao chất lượng giáo dục, trong những năm học vừa qua, Sở Giáo dục-Đào tạo đã tích cực chỉ đạo các trường THCS, THPT đổi mới phương pháp dạy học, hạn chế tình trạng dạy học theo kiểu “đọc-chép”. Mặt khác, ngành cũng đã chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên, nhờ đó đến nay phần lớn giáo viên đã đạt chuẩn và trên chuẩn, tạo thuận lợi cho toàn ngành triển khai thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục-Đào tạo.
Đối với danh mục đồ dùng các môn học ở cấp THCS, THPT, đến nay ở các trường đều đã được trang bị tương đối đầy đủ. Riêng các phương tiện phục vụ giảng dạy giáo án điện tử như: đèn chiếu, màn hình, máy móc thì còn thiếu. Để khắc phục hạn chế này, trong thời gian đến, ngành Giáo dục-Đào tạo sẽ tiếp tục đầu tư cho các trường.
Tuy nhiên, cũng cần hiểu rằng, phương tiện dạy học chỉ góp phần tích cực vào việc khắc phục tình trạng dạy học kiểu “đọc-chép”, chứ không hẳn đợi đến khi đầy đủ trang thiết bị dạy học hiện đại mới hạn chế được kiểu dạy học “đọc-chép”. Vấn đề ở đây là ý thức đổi mới phương pháp dạy học của người thầy, cũng như việc hướng dẫn học sinh tiếp thu tích cực, nỗ lực tư duy trong quá trình học tập.
* P.V: Về chủ quan, ngành Giáo dục-Đào tạo có gặp khó khăn nào trong quá trình thực hiện chủ trương này?
- Ông Ng.M.H: Khi triển khai thực hiện chủ trương này, một bộ phận nhỏ giáo viên vẫn còn e ngại trong việc tìm ra cách làm mới và vẫn còn dạy theo lối mòn truyền thụ kiến thức theo kiểu “đọc-chép” đối với học sinh. Nguyên nhân của tình trạng này là do giáo viên e ngại học sinh không biết tự học, tự phát huy năng lực của mình. Về phía học sinh, việc phát huy năng lực tự học, độc lập suy nghĩ vẫn còn hạn chế nhất định. Bên cạnh đó, hệ thống kiểm tra, đánh giá thi cử chưa theo kịp với tư duy đổi mới phương pháp dạy học hiện nay.
* P.V: Với thời gian thực hiện 2 năm, liệu ngành Giáo dục-Đào tạo thành phố có chấm dứt được tình trạng dạy học kiểu “đọc-chép” ở các trường THCS, THPT?
- Ông Ng.M.H: Trong thời gian đến, Sở Giáo dục-Đào tạo sẽ tích cực triển khai các biện pháp chống “đọc-chép” tại các trường, thông qua việc kiểm tra, dự giờ đột xuất. Đồng thời, chỉ đạo các Phòng Giáo dục-Đào tạo, các trường tăng cường kiểm tra, dự giờ, đánh giá giáo viên; qua đó, kịp thời chấn chỉnh đối với những giáo viên không chịu đổi mới, dạy học kiểu “đọc-chép”. Với cách làm quyết liệt này, hy vọng đến cuối năm học 2010-2011, ngành Giáo dục-Đào tạo thành phố sẽ cơ bản chấm dứt tình trạng dạy học kiểu “đọc-chép” ở cấp THPT.
NGỌC ĐOAN (Thực hiện)
.
.
ĐẾN CUỐI NĂM HỌC 2010-2011
Chấm dứt dạy học kiểu “đọc-chép” ở cấp THPT
Thứ Tư, 11/11/2009, 09:01 [GMT+7]
.
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.