.

Đưa vào hoạt động phòng thí nghiệm Plasma đầu tiên tại Việt Nam

.

(ĐNĐT) - Phòng thí nghiệm Plasma đầu tiên ở Việt Nam vừa được Đại học Joseph Fourier (Pháp) tài trợ xây dựng tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Khai trương phòng thí nghiệm Plasma tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Ngày 21-11, tin từ Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho hay, phòng thí nghiệm Plasma đầu tiên ở Việt Nam vừa được xây dựng và đưa vào hoạt động tại trường này. Đây là phòng thí nghiệm do Đại học Joseph Fourier (UJF) tài trợ trong khuôn khổ hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa Đại học Bách khoa Đà Nẵng và các trường đại học Pháp.

Theo Giáo sư Jacpues (đại diện Viện Khoa học Quốc gia Pháp – CNRS), phòng thí nghiệm Plasma tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng là một thành phần của phòng thí nghiệm quốc tế về vật lý hạt nhân ở Việt Nam, được thành lập trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa CNRS và Bộ Khoa học - Công nghệ.

Bước đầu, phòng thí nghiệm này được trang bị 3 hạng mục thiết bị gồm lò phản ứng plasma nghiên cứu nhiều cặp cực, thiết bị phóng điện và thiết bị nghiên cứu đặc trưng điện của plasma (cảm biến tĩnh điện của Langmuir). Tại đây cho phép thực hiện một số thí nghiệm cơ bản về công nghệ micro và công nghệ nano như khắc hay phủ những lớp mỏng kim loại bằng phương pháp PACVD (phủ hóa học trạng thái hơi với sự trợ giúp của Plasma) hoặc bằng phương pháp PAPVD (phủ vật lý trạng thái hơi với sự trợ giúp của Plasma).

Phòng thí nghiệm Plasma tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng cũng cho phép các học viên cao học và nghiên cứu sinh tiến hành các nghiên cứu thực nghiệm. Các thiết bị lắp đặt tại đây đảm bảo thực hiện ít nhất ba dạng thực nghiệm: đặc trưng hóa tính điện của plasma bằng cảm biến tĩnh điện Langmuir; nghiên cứu thực nghiệm sự phóng điện (mô tả, định luật Paschen, đặc trưng hóa điện cực dương); nghiên cứu thực nghiệm phương pháp phủ lớp kim loại mỏng với sự trợ giúp của plasma.

Theo Giáo sư Ana Lacoste, đại diện UJF, với việc lắp đặt hoàn tất thiết bị và đưa vào hoạt động cùng đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu, Đại học Đà Nẵng có thể phát triển một trung tâm nghiên cứu khoa học và đào tạo hiện đại về plasma ở Việt Nam. Nhờ lò phản ứng plasma tại đây, các nhóm nghiên cứu của hai đại học có thể thực hiện các đề tài nghiên cứu chung, như đồng hướng dẫn luận án tiến sĩ.

Cẩm An

;
.
.
.
.
.