.

Học trò là “đỉnh núi” để chinh phục

.

“Về mặt bản chất, truyền thống tôn sư trọng đạo của chúng ta không bao giờ thay đổi. Chỉ khác chăng ở cách thể hiện có phần “thoáng” hơn ngày trước”, thầy Phạm Úc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu) nói.

Khoảng cách giữa hai thế hệ thầy - trò ngày càng gần gũi hơn.

Không như ngày trước, bây giờ học trò rất mạnh dạn trong việc thể hiện thái độ yêu - ghét, dám nói ra suy nghĩ, nhận xét của mình về thầy cô. Những giáo viên nào mà các em thấy thân thiện, nể phục thì chúng rất tôn trọng và muốn gần gũi. Thầy Phan Thanh Đức, Bí thư Đoàn Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết: “Đa số học trò bây giờ mạnh dạn hơn trong việc tiếp chuyện với thầy cô nên khoảng cách giữa thầy - trò cũng được rút ngắn hơn.

Qua tiếp xúc và chia sẻ với nhiều em học sinh mình mới thấy được các em bây giờ “để ý” đến thầy cô nhiều hơn trước. Chúng thích bàn tán, nhận xét về thầy, cô về cách giảng dạy, giờ giấc đến trường, kể cả cách ăn mặc và đồ dùng cá nhân…”. Hầu hết các thầy, cô giáo khi chúng tôi tiếp xúc đều có một nhận định chung:

Sẽ rất sai lầm nếu cứ bằng mọi cách để làm cho học trò sợ mình. Cái khó nhất bây giờ là phải làm sao cho các em nể và tôn trọng thầy, cô. Gần gũi nhưng không xuề xòa, nghiêm khắc nhưng không phải khắt khe. Em Bùi Ngọc Nam, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn Hiền (quận Hải Châu) chia sẻ: “Tụi em luôn tôn trọng thầy, cô giáo của mình. Và cũng hiểu đó là truyền thống không bao giờ thay đổi. Tụi em cũng thích học với những thầy cô giỏi và cởi mở. Em chỉ mong lên lớp học đừng căng thẳng là được”. 

Không chỉ riêng học trò, ngay các bậc phụ huynh cũng có cái nhìn đa chiều hơn về thầy, cô giáo của con mình. Chị Nguyễn Thanh Hiền ở Thanh Khê bày tỏ: “Tôi có thể hiểu được vì sao học trò bây giờ không còn tôn trọng thầy, cô tuyệt đối như ngày trước. Nhưng trách nhiệm của chúng ta là phải giữ vững truyền thống tôn sư trọng đạo”.

Thầy Phạm Úc cho rằng: “Chuyện dạy học trò bây giờ được ví như một ngọn núi cao cần được chinh phục bởi sự tận tâm, tận lực và bản lĩnh của mỗi một thầy, cô giáo. Tâm lý của các em ngày càng phức tạp.

Chúng thích được khen, được công bằng và yêu thương. Một điều khá hay là các em rất thích hoạt động từ thiện, công tác xã hội. Chúng ta cần “đánh thức” thế mạnh này để làm cho các em gần gũi hơn với cuộc sống, tình cảm của cộng đồng xã hội, qua đó thức tỉnh những đức tính tốt đẹp trong các em, hạn chế những kiểu hành xử theo lối “bạo lực học đường”.
 
Phải xem đội ngũ cán bộ lớp là người trợ lý đắc lực, kịp thời giúp thầy, cô giáo biết được cái mạnh, cái yếu ở trong lớp. Bên cạnh đó, phải thường xuyên có sự trao đổi với phụ huynh. Có như vậy mới mong đào tạo ra được những thế hệ học trò năng động, sáng tạo, biết giữ vững truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. 
      
Bài và ảnh: HOÀNG LINH

;
.
.
.
.
.