.
Hướng tới hội nghị biểu dương điển hình tiêu biểu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”

Ông Hòe ươm mầm học tập

.

Cho đến bây giờ, khi đã là sinh viên của Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng), trong tâm trí của Nguyễn Ngọc Hưng, ở tổ 2, An Thượng, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn vẫn khắc sâu hình ảnh về một “ông Bụt” của đời mình.

Gần 80 tuổi đời, ông Doãn Mậu Hòe vẫn gắn bó với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài.

Đó là ông Doãn Mậu Hòe, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học (KH) quận Ngũ Hành Sơn, bây giờ là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố. Gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, trong những năm cuối bậc THCS, em đã chớm phải bỏ học.

May mắn thay, lúc đó “ông Bụt” Doãn Mậu Hòe xuất hiện và ông đã nhận bảo trợ cho em trong 3 năm với mức hỗ trợ 600 nghìn đồng mỗi năm. Số tiền đó đã tiếp thêm nghị lực cho Hưng hoàn thành việc học phổ thông và đàng hoàng bước vào ngưỡng cửa đại học. Cùng với Hưng là trường hợp của em Huỳnh Đăng Nhân, tổ 16, phường Hòa Quý cũng được ông Hòe hỗ trợ tiền ăn học từ năm lớp 4 đến lớp 7.

“Tôi vẫn tâm niệm lời dặn dò của Bác trong buổi đến thăm, nói chuyện với cán bộ, giáo viên và sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào tháng 9 năm 1960, lúc tôi cùng 300 cán bộ, chiến sĩ quân đội đang theo học tại trường. Lúc đó, Bác nói: Có 3 hạng người luôn được mang ơn và kính trọng. Một là các thầy cô giáo dạy con em mình học, hai là thầy thuốc chữa bệnh cho gia đình mình và nhân dân, thứ ba là người cho mình mượn tiền gạo lúc khó khăn túng thiếu.

Từ trong tâm niệm về lời dạy của Bác gần 50 năm qua, tôi vẫn luôn ý thức rằng, mình phải đến tận nơi, tìm hiểu về các trường hợp khó khăn để kịp thời hỗ trợ, động viên các em, các cháu được đến trường, phấn đấu vươn lên trong học tập và trong cuộc sống. Làm như thế không phải để được mang ơn, mà chính là để góp phần tạo bệ phóng cho thế hệ sau vươn lên tốt hơn” - ông Doãn Mậu Hòe tâm sự.

Từ nhận thức như vậy, nên chỉ nghỉ ngơi một thời gian ngắn sau 47 năm phục vụ trong quân đội, ông Doãn Mậu Hòe đã lập tức đảm nhiệm nhiều chức vụ về Đảng, Mặt trận và chính quyền tại khu dân cư An Thượng (phường Bắc Mỹ An, nay là phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) đồng thời đảm nhận một chức vụ đã gắn bó với cái nghiệp giáo dục của ông là Chủ tịch Hội KH quận Ngũ Hành Sơn.

Trong vai trò đó, ông dấy lên những phong trào thi đua học tập nhằm xây dựng xã hội học tập trên địa bàn quận như: Xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học, khu dân cư khuyến học và Trung tâm Học tập cộng đồng…
 
Với công sức của mình cùng các đồng nghiệp, ông đã xây dựng ở quận Ngũ Hành Sơn 4 Hội KH cấp phường, 196 chi hội KH ở trường học và trên địa bàn dân cư, 23 Ban KH với gần 16 nghìn hội viên; qua đó vận động 2,1 tỷ đồng cho Quỹ KH và đã chi 1,9 tỷ đồng cho hoạt động khuyến học, khuyến tài. Đặc biệt, ông đã trực tiếp đề xuất ý kiến và được lãnh đạo quận ra quyết định thành lập Quỹ KH Lê Văn Hiến để vận động được hơn 156 triệu đồng từ 55 tổ chức, cá nhân ngay tại Lễ công bố thành lập quỹ này.
 
Từ năm 2008 đến nay, Quỹ KH Lê Văn Hiến đã góp phần bảo trợ dài hạn cho 111 học sinh mồ côi nghèo, cấp học bổng cho 145 học sinh giỏi, trao giải thưởng cho 24 học sinh lớp cuối cấp học phổ thông và 272 học sinh trúng tuyển vào đại học…

Để làm được việc đó, theo ông, chính là nhờ học được ở Bác Hồ về sự tận tâm tận lực, toàn tâm toàn ý với công việc được giao. Ông đã học được tinh thần làm việc ấy từ những ngày được gặp Bác trên đất Bắc cũng như trong suốt quãng thời gian làm công tác giáo dục trong quân đội.

Ông tâm sự: Việc học Bác là học suốt đời; nhận thức phải đi đôi với hành động và mỗi người luôn có thể làm được. Để làm được thì phải toàn tâm toàn ý, phát huy hết sức lực của mình. Chính vì thế, đã gần 80 tuổi đời, 58 năm tuổi Đảng và gần 60 năm miệt mài phục vụ cho sự nghiệp chung, ông vẫn tự nhủ mình không ngừng nghỉ mà tiếp tục cống hiến sức lực của mình cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài của địa phương, góp phần ươm mầm cho một xã hội học tập trong tương lai gần.

Bài và ảnh: N.THÀNH

;
.
.
.
.
.