.
Quản lý dạy thêm và học thêm

Siết, nhưng khó chặt...

Những năm gần đây, khi năm học mới bắt đầu, ngành Giáo dục-Đào tạo Đà Nẵng thường có công văn nhắc nhở các đơn vị, trường học phải thực hiện nghiêm túc Quyết định số 38/2007/QĐ-UBND của UBND thành phố về việc tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên...

Quyết định 38/2007/QĐ-UBND được ban hành ngày 11-7-2007 nhằm siết chặt việc “dạy thêm, học thêm” trên địa bàn thành phố. Những giáo viên tổ chức dạy thêm phải được cấp giấy chứng nhận dựa trên những điều kiện khá nghiêm ngặt về bằng cấp chuyên môn, cơ sở vật chất, mặt bằng, y tế, mức học phí cụ thể để đăng ký nộp thuế… Về phía học sinh, những em tham gia học thêm phải có đơn xin học thêm do phụ huynh của mình viết.

Rõ ràng, Quyết định 38 ra đời nhằm mục đích chấm dứt tình trạng học sinh vì những lý do tế nhị phải đi học thêm ngoài giờ, trong khi chủ trương của ngành Giáo dục là phải giảm tải chương trình đối với học sinh các cấp học. Ai cũng thấy rằng, những quy định trong Quyết định 38 là hợp lý và đáp ứng được sự mong đợi của phụ huynh. Thế nhưng, trên thực tế, việc đưa quyết định này vào thực hiện có thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn hay không còn là một vấn đề cần được xem xét trên nhiều góc độ.

Việc học thêm là một nhu cầu chính đáng, vậy thì khi có người cần học thì ắt phải có người dạy. Nghịch lý là ở chỗ, chính phụ huynh là đối tượng chạy đôn, chạy đáo bằng mọi cách để cho con em mình có được nơi học thêm tốt và cũng chính phụ huynh là lực lượng hùng hậu nhất trong việc phản đối dạy thêm, học thêm, thậm chí có người còn lớn tiếng xem đây như là một loại tệ nạn của xã hội. Có lẽ một số người chưa có cái nhìn thật khách quan, bởi lẽ: Bắt buộc con cái phải đi học thêm triền miên là cực đoan, nhưng phản đối việc học thêm của con cái lại rơi vào sự cực đoan khác.

Thực tế cho thấy, có nhiều học sinh không đủ khả năng để lĩnh hội bài giảng của giáo viên ở lớp và thực sự không theo kịp chương trình học chính khóa ở trường. Vậy thì nhu cầu học thêm để được bù đắp những lỗ hổng kiến thức của những học sinh này một cách tự nguyện là hoàn toàn chính đáng.

Một thực tế khác là đại bộ phận phụ huynh ngày nay phải suốt ngày quần quật làm việc nơi công sở, hoặc là phải vật lộn mưu sinh trên thương trường, vì vậy không thể có nhiều thời gian để chăm sóc, giáo dục con cái. Việc phụ huynh chọn cách cho con đi học thêm để vừa có người quản lý, vừa tạo điều kiện cho con em mình sử dụng thời gian một cách có hiệu quả, chắc chắn là lựa chọn số một. Khi tham khảo về vấn đề này, rất nhiều phụ huynh học sinh bày tỏ sự lo ngại, nếu con cái rảnh rỗi sẽ dễ bị bạn bè lôi kéo vào những trò chơi vô bổ, hoặc tham gia vào các hoạt động thiếu lành mạnh.

Đành rằng, hiện nay vẫn có một số giáo viên bằng cách này, cách khác để bắt ép học sinh phải đi học thêm môn của mình dạy trong giờ chính khóa ở trường. Nhiều người có trách nhiệm quản lý ngành Giáo dục cũng biết. Thế nhưng, tất cả cũng chỉ cho rằng đó là những trường hợp cá biệt và chuyện này cũng  dừng lại ở mức độ nhìn nhận là “con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi... Nhưng để công tâm mà nói thì từ phía phụ huynh cũng phải tự xem xét về trách nhiệm của mình.
 
Bởi vì một sự thật hiển nhiên hiện nay là chính xuất phát từ nhu cầu của xã hội, của từng cá nhân học sinh và phụ huynh nên thầy, cô mới tổ chức dạy thêm để đáp ứng nhu cầu đó và để cải thiện một phần đời sống của gia đình trong khi đồng lương giáo chức còn quá khiêm tốn. Về phía ngành Giáo dục, nếu muốn giảm áp lực học tập cho học sinh thì nên nghiên cứu để cắt giảm chương trình học và những môn học không phù hợp.

Trong chúng ta ai cũng biết, đã quy định thì phải có kiểm tra, nhưng lấy đâu ra lực lượng để kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường? Biên chế của phòng, sở đã rất chặt chẽ, chỉ đủ lo các hoạt động nội khóa. Trưng dụng nhân sự cho công việc ngoài giờ thì vốn dĩ đã rất rối rắm từ xưa nay, rồi kinh phí cho công tác này sẽ cân đối từ đâu? Bạn bè, đồng nghiệp quen biết nhau từ lâu, liệu công tác kiểm tra có mang lại hiệu quả...?          

Bảo Thy

;
.
.
.
.
.