.

Sinh viên “bí” chỗ để xe

.

Tháng 11-2009 này, thầy và trò Trường Đại học Duy Tân sẽ kỷ niệm 15 năm thành lập trường (11-11-1994) với một món quà rất ý nghĩa, đó là cơ sở của trường tại địa chỉ số K7/25 Quang Trung vừa được khánh thành đưa vào sử dụng.

Thiếu chỗ để xe, sinh viên Đại học Duy Tân (cơ sở tại K7/25 Quang Trung) đành phải gửi xe trên vỉa hè đường Quang Trung.

Khu trường này khá khang trang, hiện đại với khối nhà hình chữ U cao 8 tầng. Đặc biệt, nhà trường đã dành phần lớn diện tích ở tầng trệt cho việc để xe của cán bộ, công chức và sinh viên. Tuy vậy, nếu sắp xếp thật gọn gàng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60-70% số xe của sinh viên. Chính vì vậy mà từ đầu năm học này, vỉa hè đường Quang Trung, đoạn gần trường học, đã biến thành nơi để xe của sinh viên. Nhưng vẫn chưa đủ chỗ, thế là một số nhà dân gần đó có thêm nghề dịch vụ giữ xe.
 
Cơ sở chính của trường nằm trên đường Nguyễn Văn Linh được xây dựng bề thế và trở thành điểm nhấn khá đẹp trên trục đường này, tuy nhiên khu để xe của sinh viên là mảnh sân vài trăm mét vuông, không thể đủ cho vài ngàn sinh viên đến học hằng ngày. Do vậy, những người dân sống trên đường Phan Thanh, Đặng Thai Mai đã biến vỉa hè vốn chật hẹp trở thành điểm giữ xe cho sinh viên, khiến cho giao thông tại đây luôn trong tình trạng lộn xộn, đến giờ tan học là ùn tắc.

Tuy nhiên, khó khăn nhất trong việc tìm chỗ để xe, và cũng gây phiền hà nhất cho người dân là tại Trường Đại học Đông Á. Nằm trên đoạn cong của đường Lê Văn Long với chiều rộng khoảng 4 mét và vỉa hè chỉ hơn 1 mét, vì vậy, lòng đường và vỉa hè của đoạn đường này luôn trong tình trạng lưu thông rất khó khăn.
 
Trước đây, khi mới thành lập trường, quy mô chỉ hơn một ngàn sinh viên, rồi khi được nâng lên thành trường cao đẳng và trong năm học mới 2009-2010 trở thành trường đại học, có quy mô đến 6 ngàn sinh viên. Sinh viên thì tăng nhanh, nhưng diện tích trường học chỉ có vậy, vì thế ngoài một khoảng sân nhỏ giữa trường được tận dụng làm chỗ để xe, còn gần như nhiều đoạn vỉa hè của đường Lê Văn Long, Lý Tự Trọng, Hải Hồ đều trở thành nơi để xe của sinh viên.

Xung quanh vấn đề này, bà Võ Thị Cảnh, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Bình cho biết: Không thể phủ nhận nhờ việc trường phát triển nhanh về quy mô đào tạo mà người dân sống gần khu vực trường có thêm việc làm như mở quán cà-phê, dịch vụ Internet, và nhất là giữ xe. Tuy nhiên, tình hình trật tự nói chung và an toàn giao thông nói riêng luôn trong tình trạng báo động. Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với nhà trường để vãn hồi tình hình, trả vỉa hè, lòng đường lại cho giao thông. Tuy vậy, chỉ cần chúng tôi “quay đi” thì mọi việc diễn ra như cũ. Chính quyền địa phương cũng hết cách với tình trạng mất trật tự giao thông tại khu vực này.

Một số trường ở khu vực xa trung tâm, tình cảnh vẫn không khá hơn. Sinh viên vẫn không biết để xe nơi đâu ngoài việc phơi nắng trên vỉa hè. Sinh viên N.T.T của Trường Cao đẳng Công nghệ và kinh doanh Việt Tiến  cho hay: “Nhà xe của trường chỉ đủ cho cán bộ, giáo viên và một ít sinh viên đến sớm. Còn lại chúng em phải gửi xe trên vỉa hè phía đối diện với trường. Nhiều bữa tan học, bụng đói, ra dắt xe thì lốp xe đã bị xẹp vì phơi nắng suốt cả buổi”.
 
Ở Trường Đại học Kinh tế, dù có khuôn viên rộng rãi, rất thuận lợi để xây dựng nhà để xe cho sinh viên, nhưng nhà để xe chỉ đủ cho số ít sinh viên và cán bộ, công chức của trường, còn đại đa số xe của sinh viên đều phải chung tình cảnh phơi nắng, mưa.

Thiếu chỗ để xe trầm trọng là tình cảnh chung của hầu hết trường đại học và cao đẳng trên địa bàn thành phố hiện nay, gây không ít khó khăn cho sinh viên, ảnh hưởng đến trật tự giao thông. Trách nhiệm đầu tiên là thuộc về nhà trường, tuy nhiên cũng không thể không đưa ra câu hỏi vì sao khi xét cấp phép xây dựng trường học, cơ quan chức năng lại bỏ qua tiêu chí quan trọng là nhà để xe cho hàng ngàn sinh viên?
     
Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN
        

;
.
.
.
.
.