Là sinh viên (SV), nhất là SV nghèo ở các tỉnh về Đà Nẵng học tập, ngoài giờ lên lớp thì cố gắng tìm mọi cách để kiếm thêm tiền trang trải tiền ăn học. Nhưng những công việc làm thêm của SV hiện nay quá bấp bênh, dễ bị lợi dụng, lừa đảo...
Đơn giản như lời mời đi cà-phê
Đông đảo sinh viên đến tìm việc làm thêm tại một Trung tâm giới thiệu việc làm. |
Trong những bức thư gửi về Báo Đà Nẵng, một bạn đọc phản ánh: “L.T.P (SV Trường ĐH Duy Tân) mới chân ướt chân ráo vào Đà Nẵng nhập học, có anh đồng hương đến rủ cả phòng đi cà-phê. Khi đạp xe ngang qua trụ sở của Công ty TNMU thì anh đồng hương mới à lên:
“Vào trong đó nghe họ nói hay, bổ ích lắm!”. Vốn nhẹ dạ, cả tin lại bị đánh trúng tâm lý muốn đi làm thêm để có thêm tiền trang trải ăn học… nên ngày hôm sau P. cầm thẻ ATM ra rút 3 triệu đồng để mua sản phẩm, qua đó trở thành nhân viên kinh doanh của công ty này. Nhưng sau đó về mời mọc những người thân tham gia thì được nhận ngay lời dè bỉu: “Kinh doanh nỗi gì, lừa đảo thì có!”.
Một SV của Trường ĐH Bách khoa thì bức xúc: “Thật không biết nói sao nữa, rất ngược đời khi ngày càng có nhiều SV bị mê hoặc, tham gia cái gọi là kinh doanh đa cấp, bị mất tiền oan. Tất cả sản phẩm đều “cao cấp”, giá trên trời, mà SV thì nghèo, mua về không biết dùng để làm gì, ngày ngày nhìn nó chỉ buồn thêm. Mà các công ty kinh doanh đa cấp lại đang hướng tâm điểm kinh doanh các sản phẩm “cao cấp” này vào tầng lớp SV đã ít tiền, nhẹ dạ, cả tin mới khổ chứ!”.
Gia sư - nghề độc quyền cũng bị lừa
Một thực trạng khá bức xúc hiện nay là phần lớn các trung tâm gia sư (TTGS) vẫn hoạt động mà không đăng ký, thành ra, giữa TTGS, phụ huynh và gia sư vẫn chỉ là giao dịch miệng, không ít SV bị mất tiền oan cho các TTGS này. Mới đây, vào sáng 31-10, trước cửa ngôi nhà số 15 - Phạm Như Xương, đông đảo SV đến tập trung trước cửa TTGS… không biết tên này để đòi lại tiền, và họ đã áp giải người chủ TTGS lên Công an phường.
Theo tố giác của SV, TTGS này đã nhận của mỗi người từ 250-450 ngàn đồng khi đến đăng ký tìm suất dạy, tuy nhiên khá lâu sau, TTGS vẫn không gọi lên nhận suất dạy và cứ khất lần hôm nay qua hôm sau, còn nếu có ý định đòi lại tiền thì họ dọa không trả… Hóa ra, TTGS này trước đây có tên là TTGS Hiền Lương, nhưng do lừa đảo nhiều SV quá nên chẳng ai đến, cho đến khi lập ra TTGS không tên mới với khoản tiền hoa hồng rẻ hơn rất nhiều so với các TTGS khác nên mới dễ lừa và hút khách đến vậy.
Theo Công an quận Liên Chiểu, từ tháng 4 đến tháng 10-2009, Nguyễn Khắc Lương (trú tại Trường Giang, Nông Cống, Thanh Hóa) - chủ TTGS Hiền Lương đã thực hiện nhiều hợp đồng, trong đó có 23 SV đã giao tiền tổng cộng là 6,5 triệu đồng cho Lương, nhưng Lương chưa thực hiện giới thiệu chỗ dạy được và họ đã viết đơn tố cáo. Công an phường Hòa Khánh Nam đã làm việc và yêu cầu Lương hoàn trả lại tiền cho 23 SV nói trên.
Công an quận Liên Chiểu nhận thấy Lương có hành vi kinh doanh nhưng chưa có giấy phép hoạt động (đã hoàn trả lại tiền cho SV, chưa có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản) nên đã đề nghị Công an và UBND phường Hòa Khánh Nam xử phạt hành chính… Và còn biết bao nhiêu SV chưa hoặc không biết để làm đơn tố cáo, nhất là sau vụ cơ sở của Trung tâm đào tạo ngoại ngữ BCCE tại Liên Chiểu bị đình chỉ hoạt động, đành ngậm ngùi mất đứt khoản tiền (học phí) không nhỏ trong túi tiền còm cõi của mình.
Vai trò của Đoàn – Hội mờ nhạt...
Khẩu ngữ “Oriflame” xuất hiện ngày càng dày đặc tại các diễn đàn trên mạng do SV cảnh báo cho nhau nhằm khỏi mắc lừa bởi trò kinh doanh đa cấp trước những mẩu quảng cáo, rao vặt tuyển dụng, hợp tác SV làm thêm hoặc làm bán thời gian ở vị trí bán hàng hoặc người quản lý có lương từ… 2 triệu đồng/tháng trở lên, mà tên công ty chỉ được nhắc đến một cách chung chung, không rõ mặt hàng kinh doanh, không rõ làm gì… Còn đối với nghề gia sư thì không ít lời khuyên nên tìm đến các TTGS có uy tín; nhờ vả bạn bè, người thân giới thiệu; hoặc tự viết một bản PR chính mình và đứng trước các cổng trường để giới thiệu…
Trong khi đó, các trường dường như chẳng quan tâm đến việc giúp đỡ hay cảnh báo cho SV về việc làm thêm. Đoàn – Hội SV ở các trường thì phần lớn sôi nổi tổ chức nhảy nhót, văn nghệ, đá bóng… là chính, còn chức năng đại diện, đồng hành, chăm lo, giúp đỡ SV thì mất hút; một số trung tâm hỗ trợ SV do Hội SV lập ra cũng chỉ mang tính hình thức…
Làm thêm là nhu cầu chính đáng và cần thiết của SV, để bảo đảm cho SV không bị lừa, mất tiền, mất sức lao động một cách oan uổng, các trường không thể mãi đứng ngoài cuộc. Hội SV cũng phải chủ động đứng ra thực hiện chức năng đại diện, đồng hành, giúp đỡ, hỗ trợ của mình.
Bài và ảnh: NAM TRÂN